Bất Bạo Động Đồng Nghĩa Với Độc Tài Cộng Sản Muôn Năm! Người Việt Phải Hành Động Để Tự Cứu Mình! Đừng Trông Chờ Bất Kỳ Ai. Blog hoạt động từ ngày 28 tháng 2 năm 2.012

Trang Bạn Đọc


Người Đến Từ Orange Coast
Darren Thăng
                                                                                          
Đọc thư mời của Ủy Ban Vận Động Yểm Trợ Xây Dựng Kỳ Đài Việt-Mỹ tại Penn’s Landing, Philadelphia, đăng trên báo Việt thấy tên người trưởng ban tổ chức quen quen, tôi nhớ lại người bạn học chung ngành Electronics Technology tại Orange Coast College vào đầu thập niên 1980. Thuở ấy, chúng tôi trang lứa đôi mươi, muốn học nghề điện tử đang phát triển mạnh mẽ ở quận cam cho chắc cú, để kiếm việc nuôi thân mình.

Sinh viên học ngành điện tử đa số là thanh niên. Còn mấy ông già và vài phụ nữ gốc Việt sồn sồn học đại cho có lệ, vì họ ăn tiền ông nội. Tuổi tác mấy bà nầy trên ba hay gần bốn bó, nên họ xưng chị kêu em với chúng tôi ngọt xớt. Tuyệt nhiên chẳng thấy bóng dáng em gái hậu phương nào trông dễ thương, trạc tuổi chúng tôi cả. Tất cả sinh viên gốc Việt đều là dân tỵ nạn vượt biên và thành phần di tản cuối tháng 4/1975. Vài người trung niên dân di tản, cũng vừa mới dọn về Nam Cali vì không kham nổi cái lạnh băng giá tại miền Bắc Mỹ.  Ở đó, họ sống lạc lõng và chẳng tìm đâu ra chợ búa Việt Nam, để mua đồ về nấu ăn cho đỡ thèm!

Tôi ghi danh vào trường Orange Coast College số 2701 Fairview Rd, Costa Mesa, CA, semester Spring 1980, sau khi “may mắn” nhận được giấy thất nghiệp mầu hồng. Thật ra, thằng supervisor và tên phụ tá gốc Chicano (ám chỉ dân Mexican nam giới lớn lên ở Mỹ) chơi bẩn, bằng cách đề nghị với management cho tôi nghỉ việc. Chúng hay đùa giỡn chết người bằng cách dùng lưỡi dao lam cũ vụt bỏ đi (utility knife), ném về phía tôi trong lúc làm việc vì muốn chèn ép dân Á Đông. Lưỡi dao vô tình bay tới, cắt một đường dài ở khủy tay bên phải. Máu đỏ tuôn ra xối xả. Chúng bèn chở tôi đến bệnh viện gần đó để khâu lại. Bắt tôi bịa chuyện với nhân viên y tế là bị accident, nếu như muốn giữ job.

Hơn một tháng sau, chúng mưu toan tính kế bằng phương pháp trên. Tôi không được bồi thường tai nạn một xu, hay nhận được bất cứ bonus check nào cả. Ngày tôi rời hãng ECM, Inc (sản xuất board điện tử) số 1619 E. Wilshire Ave, Santa Ana, CA mặt buồn rầu, tôi hứa cố gắng học thành kỹ sư để về làm xếp tụi nó. “Ngộ sẽ báo chù”, tôi nhủ thầm như thế!  Theo dòng thời gian, tôi học ngành khác và quên hẳn ý định trả thù năm xưa.

Người em họ trạc tuổi, học lớp D. C. Circuit (điện một chiều) tại trường nầy vào mùa Fall trước nên quen biết một số bạn mới. Hắn giới thiệu tôi với vài sinh viên Việt, thường hay tụ tập cà phê cà pháo với nhau ở ngoài hiên của một kiosk cafeteria trong khu vực. Ai tới giờ học hay giờ lab thì tự lo bổn phận. Còn lại cứ tụm năm tụm ba, có lúc thì ôn bài thi hay rảnh rỗi thì ngồi tán dóc với nhau.

Một sinh viên “cool guy” trong nhóm, tôi còn nhớ tên là Trần Ngọc Diệp. Anh dáng cao ráo (1m75), khỏe mạnh và điển trai. Mái tóc Diệp lúc trẻ đen dầy, cắt tỉa gọn gàng, thường chải sang bên phải và đặc biệt anh có nụ cười mỉm chi. Diệp nói giọng bắc (54) rất trong, thanh và lưu loát. Anh ăn nói có duyên.  Nếu như sử dụng các ưu điểm độc chiêu đó, để đi tán gái thì mấy em đẹp chỉ chết mê chết mệt mà thôi!

Diệp hay có mặt trong trường Orange Coast vào ban sáng. Đến 3-4 giờ chiều là không còn thấy bóng dáng anh ta đâu nữa. Có lẽ anh ta đi làm điện tử vào ca chiều, hay tới giờ tôi phải đi làm part-time vào ban tối nên không thấy chăng? Lâu lâu thấy anh chơi bóng rổ vào ban chiều, cùng với người em họ của tôi và các chàng trai khác ở sân banh ngoài trời. Sau khi chơi xong, mồ hôi mồ kê đổ ra nhễ nhại, ngấm vào cổ và nách của áo thun rồi cũng nhau bước đến một kiosk cafeteria gần thư viện để mua nước giải khát. Đôi lần chúng tôi chạy bộ vòng vòng, chung quanh sân vận động cho khỏe. Khí hậu Nam Cali tốt đẹp thế kia, mà không hoạt động thì uổng quá.

Năm 1980, tôi để ý Diệp nói Anh Ngữ trôi chảy và phát âm ít bị ắt xen (accent), như dân vượt biên tụi tôi. Tôi đoán gia đình anh đi di tản năm 75. Qua đây độ 13-14 tuổi và tốt nghiệp Santa Ana Valley High School. Thân phụ anh có lẽ là viên chức của chế độ cũ, hay làm cho sở Mỹ. Nhà anh ở ngã tư đường Fairview RdMcFadden Ave, Santa Ana, CA, cùng xóm với người em họ nên thân nhau hơn.

Tôi không nhớ đã học chung với Diệp lớp nào. Không thấy anh học ESL vì Anh Ngữ đã vững. Riêng bạn thân của Diệp là Hà (con trai) thì tôi có học chung 1 lớp điện tử và 1 lớp programming languages . Thuở ấy phải cầm một xấp card đi vào phòng lab, nói với nhân viên technician cho lên máy IBM mainframes chạy rọc rọc, để biết kết quả bài program của mình viết đúng hay sai. So với personal computer ngày nay thì nó lỗi thời quá.

Hà luôn đi chung với Diệp như một cặp bài trùng, vì gần nhà nhau hay có lẽ đi chung 1 xe. Điều ngạc nhiên là không hề thấy Diệp theo đuổi ai cả. Tuyệt nhiên chẳng bao giờ chúng tôi mổ xẻ bàn luận, đề cập tới chuyện yêu người cùng giới tính rồi đăng ký kết hôn như xã hội đảo điên hiện nay. Chẳng giấu gì quý vị, giới tính chúng tôi yêu là phái đẹp. Những bông hồng yêu kiều biết nói mà thôi.

Nạn trai thừa gái thiếu, chuyện tranh giành em út xẩy ra thường tình. Có một em kia nhan sắc trung bình, nước da ngăm đen, hất cẳng anh cũ và bồ với anh mới tên là Hưng. Anh em người nào cũng vần H. Người anh lớn là Hùng, em kế là Hoàng và Hoan v.v. Hoàng kể rằng ngày xưa nhà ở Lăng Cha Cả, Sàigòn. Căn biệt thư nhà y, chính là địa điểm chiếc trực thăng UH1 bốc người di tản vào ngày 29 tháng 4, 1975, bị hư hại bỏ lại trên sân thượng (tôi có chứng kiến). Ý khoe khoang gia đình giàu có. Anh em người nào cũng lùn, nhưng học hành rất giỏi.

Tay bị bồ đá đánh Hưng vài đấm. Cả gia đình Hưng sùng máu mang dây xích, dao và búa, định uýnh tên kia một trận nên thân. Họ đợi tay nầy làm việc work study xong ở thư viện vào ban tối, để thanh toán. Thấy ỷ đông đánh một, nên chúng tôi can ngăn. Nhìn họ hung dữ như đám côn đồ. Nhục nhã thay, đánh nhau vì gái!

Quý bà quý cô “chống ề” đọc bài nầy, đừng chê trách đàn ông con trai vô tình sao thích về Việt Nam bốc mấy em trẻ đẹp. Nếu có trách thì trách các đàn chị đi trước. Xưa chị ăn mặn thì nay em khát nước.

Cũng có cảnh gái thích trai, mà trai không dám đáp tình vì nghèo. Mai, thuộc dòng họ Công Tằng Tôn Nữ và nói giọng Huế đặc sệt. Ngoại hình trông dễ nhìn, nên có vài anh để ý. Nhưng cô rất thích bạn tôi là Nguyễn Văn Tâm. Tâm dáng cao, gầy, hiền lành và ít nói. Anh lại không có xe hơi riêng, thế mà Mai lại thích mới chết.

Một kỷ niệm duy nhất làm tôi nhớ mãi là Hà rủ Diệp và anh em tôi đến nhà anh của Hà, uống bia Budweiser xả láng vào một buổi chiều 1982. Chúng tôi chán nản vì không kiếm được việc làm. Kinh tế và ngành điện tử năm đó, ở quận cam xuống quá mức.  Cũng may là không có nails để mần việc, chớ đâm đầu vào giờ già rồi chỉ đói meo.

Tháng giêng 1982, tôi có bằng Electronics Technology và tốt nghiệp Associates Degree ở Orange Coast College. Không kiếm được việc làm, tôi mất hướng đi. Cuối cùng nhảy qua kế toán/tài chánh và lên đại học 4 năm vào mùa xuân 1985. Một số bạn học chung ngành điện tử cũng rơi vào tình trạng tương tự. Vài người bền chí nhảy qua engineer và chuyển lên các đại học nổi tiếng. Mỗi người đi mỗi ngã và từ đó biệt tin tất cả.

Hồi tưởng lại, chúng tôi thiếu “mentors”, cố vấn học đường và đời sống mới trên đất lạ quê người. Ai ai cũng còn chân ướt chân ráo. Nhưng cuối cùng cũng vượt qua như nhạc phẩm: “I will survive” của ca sĩ Gloria Gaynor.

Did you think I'd lay down and die (Đừng tưởng tôi ngã gục rồi chết) 
Oh no, not I (Chưa đâu, không đâu)
I will survive (Tôi sẽ vượt qua thử thách).

Tôi vừa đi học vừa đi làm, rồi hoàn tất chương trình 4 năm đại học vào tháng 12, 1987.  Dự định làm lễ mãn khóa vào tháng 6 năm 1988, thì một người bạn cùng đi vượt biên chung thuở “teen” năm xưa cứ réo gọi điện thoại hàng ngày. Hắn rủ tôi dọn qua miền đông để làm thương mại với hắn. Hắn nói ngon nói ngọt:

- Mày chỉ cần làm ở đây vài năm thành công, rồi có tiền “dzọt” về lại Cali thì tùy.

Mấy tháng trời làm chung, không có lấy một đồng xu dính túi mà vất vả cả ngày lẫn đêm. Tương lai lại mù mịt. Tiền để dành cứ lấy ra xài dần. Chịu hết nổi tôi đành bung ra, đi kiếm việc làm ngành của mình thay vì quay trở lại Cali nắng ấm vì quê độ với họ hàng.

Nhân lễ Thanksgiving 1990, tôi và một bạn sinh viên ở trọ nhà vài ngày cùng rủ nhau đi dạ vũ, tổ chức ở bi-đinh Sheet Metal Workers’ Local 19 (Columbus Blvd & Washington Ave, Philadelphia), có ca sĩ từ Cali đến. Tôi tình cờ gặp Trần Ngọc Diệp đi ngang. Nhận ra tôi, anh ngạc nhiên hỏi:

- Ủa, gió nào mang Thăng qua miền đông?

Chuyện dài lắm, còn Diệp thì sao?

Anh không trả lời câu hỏi mà dẫn tôi đến bàn của người bạn gái nhìn rất trí thức, duyên dáng và đang trò chuyện thân mật với các bạn đồng nghiệp của cô ta. Tôi chào cô nàng và tự nhủ:

- Té ra câu nói: “Cali đi dễ khó về...”, không ứng nghiệm với Diệp!

Tiếng nhạc xập xình ồn ào quá, lại không tiện nói chuyện riêng với Diệp nên tôi cáo từ. Diệp trao cho tôi 2 chai Budweiser, mang theo để uống vui chơi cùng với người bạn ở trọ. Tôi cảm ơn anh nhưng lòng nghĩ ngợi nhiều.   

Diệp cho tôi số điện thoại để liên lạc.  Giữa tháng 3 năm 1991, tôi nhận được thiệp hồng của Diệp báo tin lễ thành hôn với cô dược sĩ từng gặp. Diệp dặn tôi đi hát lễ đám cưới cho anh ta ở nhà thờ công giáo: Nativity of Our Lord số 605 W. Street Rd, Warminster, PA.

Thứ bảy đẹp trời ngày 25 tháng 5, thánh lễ hôn phối được cử hành long trọng tại giáo xứ Mỹ. Hôm đó, tôi gặp đầy đủ thân quyến của Diệp đến từ Cali. Ca đoàn hình thành để hát lễ gồm có 4 người: Vinh, anh rể đánh piano; Tân, bạn tôi đánh đàn guitar; và 1 người nữ họ hàng với cô dâu hát chính; còn tôi hát phụ. Mọi sự diễn tiến tốt đẹp!

Rồi tình cờ tôi gặp lại Diệp và hiền thê, cùng với các bạn dược sĩ của cô ta trong một đêm dạ vũ tổ chức ở đại học Temple vào hè 1991. Anh giới thiệu tôi với một dược sĩ tên là Liên, người mảnh mai xinh xắn. Tôi mời cô nàng nhảy một bản Rumba, nhưng ngần ngại tiến tới vì học lực cô nàng cao hơn.    

Vài năm sau, Diệp và hiền thê đến tham dự đám cưới của tôi được tổ chức ở nhà hàng tàu tại Chinatown. Anh chị chụp chung với chúng tôi một tấm hình riêng làm kỷ niệm. Nhìn lại album khi viết bài nầy, thấy hình của anh chị tối hôm đó tươi cười vui vẻ lắm. Diệp là bạn học duy nhất ở Orange Coast, đến tham dự tiệc cưới.

Tháng 4 năm 1997, khi tiếp xúc với cô học chung ngành pharmacy với anh. Cô nầy cho biết anh đã tốt nghiệp dược sĩ ở Temple University vài năm về trước.  Nghe kể thì anh thi license State Board of Pharmacy (PA) một lần là đậu.  Tôi mừng cho anh.  

Bao năm qua, tôi biết địa chỉ tiệm pharmacy do anh quản lý, nhưng không ghé thăm vì tâm trạng mặc cảm. Rồi tình cờ tôi thấy tên của anh đăng trên báo là, Trưởng Ban Tổ Chức Gây Quỹ Xây Dựng Kỳ Đài Việt-Mỹ tại Penn’s Landing, Philadelphia, tôi hãnh diện về anh.

Hai lần tôi gọi phone hỏi chuyện như người bình thường. Tôi gọi anh bằng chức vụ Dược Sĩ hẳn hòi.  Giọng bắc của anh vẫn trong như xưa. Anh trả lời câu hỏi của tôi ngắn gọn và nhã nhặn.

Lý do tôi viết bài nầy vì anh dấn thân, đứng mũi chịu sào cùng với nữ nha sĩ trẻ đẹp Lý Ngọc Ánh. Quý vị đã đứng ra đảm nhận trách nhiệm lịch sử, thay cho các bậc trưởng thượng. Nay phía VNCH đã có lớp trẻ hơn bổ sung quân số. Quý vị là những “role models”, để thế hệ trẻ noi gương. Bravo ban tổ chức!  

Nầy bạn, cho tôi “salute” chào theo kiểu nhà binh, người vẫn một lòng một dạ sắt son với lý tưởng quốc gia.         
          

Nha Sĩ Lý Ngọc Ánh phát biểu trong buổi gây quỹ.


Dược Sĩ Trần Ngọc Diệp đứng bên góc phải.








Cánh Hoa Ngọc Lan

 Darren Thăng

LTG: Thắp nén hương lòng tưởng nhớ ca sĩ Ngọc Lan, nhân dịp lễ giỗ hằng năm vào ngày 6 tháng 3…

Là minh tinh điện ảnh hay siêu sao ca nhạc, ai cũng muốn được nổi tiếng và nhiều “fans” ái mộ. Một mai nếu như những siêu sao thần tượng này qua đời bất chợt, họ cũng để lại bao kỷ niệm tiếc thương vương vấn trong lòng khán giả hâm mộ khắp nơi? 

Giai thoại cuộc đời, tình yêu và cái chết của họ cũng được thêu dệt theo giòng đời thời gian. Đôi khi họ còn được giới báo chí, tư liệu trên mạng và truyền hình ca tụng hay nhắc mãi cho tới nhiều niên kỷ sau, y hệt như thời họ còn sống vậy.    

Marilyn Monroe, cô đào trẻ bốc lửa “sexy” nổi tiếng của Hollywood trong thập niên 1950 và chết vào năm 1962, khi vừa tròn 36 tuổi là một thí dụ điển hình.
 
Elvis Presley được giới âm nhạc mệnh danh là: “vua nhạc Rock”, qua đời khi đang trên đà danh vọng vào lứa tuổi 42. Tên tuổi chàng vang dội khắp nơi trên thế giới, đến nỗi ca sĩ Elvis Phương nhà ta phải lấy nghệ danh “Elvis” cho mình là chính, còn Phương chỉ là phụ, đây gọi là mượn chút hơi “tên tuổi” của người ấy mà!

Trong lãnh vực ca nhạc và điện ảnh Việt Nam ở hải ngoại tính từ ngày người Việt bỏ nước ra đi vào năm 1975 đến nay, thì giới ca sĩ sáng giá và có “ăn” hơn là giới tài tử điện ảnh. Vì ai cũng biết đến trung tâm Thúy Nga, Asia và Vân Sơn hiện nay, nhưng không nghe thành quả gì về điện ảnh, như trung tâm Thúy Nga tường thuật trong cuốn DVD Paris By Night 100: “Ghi Nhớ Một Chặng Đường”.

Khoảng 30 năm trước, chỉ có một số anh chị em nghệ sĩ ra được hải ngoại cộng tác. Một trong những giọng ca nữ hàng đầu, được quý khán thính giả ái mộ là ca sĩ Ngọc Lan. Hình ảnh của Ngọc Lan được chiếu lên màn ảnh một lần cuối, cùng chung với một số anh chị em nghệ sĩ khác đã từng cộng tác với Thúy Nga và nay vĩnh viễn không còn nữa…

Ca sĩ Ngọc Lan sinh ngày 28 tháng 12 năm 1956 (tuổi Bính Thân) tại Nha Trang, Việt Nam, và mất ngày 6 tháng 3 năm 2001 tại Orange County, California. Hưởng dương 44 tuổi.

Ngày còn sống ở California trong thập niên 1980, người viết có nghe tên tuổi của ca sĩ Ngọc Lan, nhưng chưa từng gặp mặt. Còn các ca sĩ khác tỉ dụ như Lynda Trang Đài, Ý Lan, và Tuấn Anh v.v thì có gặp qua. Vì lẽ họ cũng đi ăn nhà hàng, đi chợ hay giao dịch ở ngân hàng cũng như ai. Riết rồi thấy thường thôi.

Đến khi dời qua miền Đông Bắc Hoa Kỳ sinh sống thì mới thấy Ngọc Lan thực sự ngoài đời trong một show trình diễn. Ngày ấy, nàng mặc y phục trẻ trung với quần ngắn Hippie mầu đen gắn hột kim tuyến, để lộ cặp đùi thon mi nhon (mignonne) hấp dẫn và hát nhạc New Wave, trông thật dễ thương.

Ngọc Lan có một làn da trắng nõn nà như lai người tây phương. Khuôn mặt  trái soan, sống mũi dọc dừa, cặp mắt bồ câu luôn đượm nét u buồn ướt mi và miệng viền trái tim. Lông mày nàng rậm với mái tóc uốn cong dài và dầy làm tăng vẻ đẹp tuyệt sắc giai nhân như một mỹ nhân trong tình sử Trung Hoa. Không bút mực nào tả xiết. Thật khen ai khéo đẻ ra nàng thế!

Theo nguồn “in tờ nét” thì Ngọc Lan và thân quyến đến Hoa Kỳ, định cư ở xứ lạnh bang Mỹ-nó-sỏ-ta  (Minnesota) vào năm 1980. Hai năm sau gia  đình  cô di chuyển về  Nam California.  Ba năm đầu tiên cô đi hát ở các quán cà phê quanh Little Sàigòn vào dịp cuối tuần. Lấy nghệ danh là Ngọc Lan vì tên thật của cô, Lê Thị Thanh Lan trùng với ca sĩ Thanh Lan đã nổi tiếng trong nước.

Nhiều lúc Ngọc Lan có ý định bỏ nghề ca hát vì bản tính nhút nhát và e thẹn trước đám đông thanh niên con trai. Nhưng sau lại đổi ý và quyết định chọn con đường nghệ thuật để tiến thân qua sự khích lệ của nhà thơ Nguyên Sa tức giáo sư Trần Bích Lan.

Tên tuổi Ngọc Lan nhanh chóng được giới khiêu vũ biết đến khi cô đi hát ở vũ trường Ritz (ở thành phố Anaheim) của nhạc sĩ Ngọc Chánh vào năm 1985. Một năm sau đó, cô trở thành ca sĩ độc lập và nhận lời mời đi show ở các tiểu bang Hoa Kỳ và Gia Nã Đại.

Hình như cho đến năm 1988, Ngọc Lan mới xuất hiện lần đầu tiên ở các thành phố lớn miền Đông Bắc Hoa Kỳ?  Trong thập niên này, Ngọc Lan hay thâu băng nhạc cassette chung với ca sĩ Kiều Nga (em gái Elvis Phương), đặc biệt là liên khúc New Wave, nhạc Pháp và dạ vũ.

Thật ra, tiếng hát Ngọc Lan trở thành một trong những nữ danh ca số 1 của nền âm nhạc Việt Nam hải ngoại khi cô hợp tác với trung tâm Mây Productions vào năm 1990 và qua những chương trình video Hollywood Night. Cô được ví như một con chim sơn ca hái ra tiền của Mây Productions.

Trung tâm này thực hiện riêng cho Ngọc Lan hai video: “Như Em Đã Yêu Anh” (1990) và “Mặt Trời Bên Kia Mùa Hạ” (1991). Ngọc Lan có nhiều kỷ niệm gắn bó với Mây Productions tới khi trung tâm khai phá sản vào năm 2001, vì nạn băng dĩa lậu. Tính tổng cộng Ngọc Lan có hơn 12 album CD độc quyền với Mây Productions.  

Nhân về Cali chơi vào mùa Hè năm 1991, người viết có ghé mua CD Ngọc Lan 4: “Tình Xanh”, bán ở trung tâm băng nhạc Bích Thu Vân trong thương xá Phước Lộc Thọ với giá bán lẻ là $9.95 hay $12.95 Dollars gì đó? Gạn hỏi bà chủ là tại sao lại mắc vậy? Bà ta trả lời: ”vì Mây Productions phải trả khoảng tiền cát xê cao cho Ngọc Lan”, cho nên CD của cô mắc.  À, thì ra là thế! 

Chuyện Ngọc Lan thường đi show ở tiểu bang nào nhiều nhất thì không thể biết được?  Riêng vùng Đông Bắc Hoa Kỳ trước khi đại nhạc hội về Atlantic City thì Ngọc Lan hay lưu diễn ở vài thành phố lớn vào những năm 1990 -1992.

Mỗi lần đi show, cô thường “solo” có một mình. Giá vé ca nhạc dạ vũ cũng nặng “đô” và nặng ký, hơn ca sĩ khác. Những năm đó, ca sĩ đến từ California thường đi lưu diễn đơn độc một mình. Không có mửng tụm ba hay tụm năm “dính chùm” với nhau để kiếm ăn. Kiểu các bầu show bây giờ hay bầy mưu chước kế bao gồm thêm màn ẩm thực 7 món hay 10 món “Chai-ni food” trịnh trọng ra cái vẻ thượng lưu quý phái. 

Một lần Ngọc Lan về hát ở một nhà hàng vùng Đông Bắc Hoa Kỳ vào năm 1991, khán giả choai choai đông nghẹt, sàn nhảy chật cứng. Tối đó, cô mặc skirt mầu đen ra trình diễn bản nhạc đầu tiên. Đám choai choai, cả nam lẫn nữ nhao nhao lên. Nhiều người ngừng nhảy để ngắm người đẹp. Hai tay Mỹ đen “sì cưu ri ty” phải đứng bảo vệ.

Hát xong bản nhạc dạ vũ, cô kiếu từ vì bị khàn tiếng và hứa sẽ trở lại sau. Khán giả la “bis, bis, bis”(tiếp) liên tục. Bầu show lên bục cáo lỗi, nhưng họ không chịu, cứ la ó rùm beng đòi bầu show trả tiền lại. Thấy điệu bộ của cô lúc đó có phần bối rối, cô đành phải chiều lòng khán thính giả hát thêm hai bản nữa thì họ mới thôi. Giờ nghĩ lại, thấy xót xa cho người đẹp, vì hành động thái quá của đám “cà chớn”, để nay, nàng không còn hiện diện với chúng ta nữa! 

Ngày còn sống, ca sĩ Ngọc Lan có rất nhiều “fans” ái mộ vì nhân dáng yêu kiều của cô và giọng hát nồng nàn ru hồn người nghe. Ngọc Lan hát được nhiều  loại nhạc và đủ mọi thể điệu như nhạc Pháp, nhạc Mỹ dịch ra lời Việt, New Wave và nhạc trữ tình của các nhạc sĩ nổi tiếng Việt Nam.

Một trong những ca khúc nhạc Pháp dịch lời Việt “top hits” của ca sĩ Ngọc Lan là bản “Tuyết Rơi”. Riêng bản “Mưa Trên Biển Vắng” được Mây Productions thu hình trên video Hollywood Night #1 vào ngày 10 tháng 3 năm 1992, và có phần phỏng vấn của MC Nam Lộc. Sau khi Ngọc Lan qua đời, Như Quỳnh và Lâm Thúy Vân cũng hát nhạc phẩm này, nhưng so sánh giọng hát trên “youtube”, thì không bằng Ngọc Lan.

Nhiều em gái trong ca đoàn công giáo khắp nơi rất thích Ngọc Lan và hay bắt chước giọng Bắc 54 của nàng. Vì lẽ Ngọc Lan từng hát trong các ca đoàn nhà thờ khi còn ở Việt Nam. Cô cũng có một số CD thánh ca, hát chung với các danh ca khác.

Khi Ngọc Lan hơi đứng tuổi một chút, khoảng năm 1992 trở đi thì nàng hay mặc áo đầm dài như mầu trắng, đen và đỏ mà nàng ưa thích. Đây có thể là dấu hiệu về những giòng nhạc trẻ New Wave hay “giật gân” ồn ào không còn thích hợp với nàng nữa? Thay vào đó là những dòng nhạc trữ tình mới của các nhạc sĩ trẻ Trịnh Nam Sơn, Đức Huy hay Từ Công Phụng.

Có hai biến cố lớn xảy ra trong năm 1993, khiến Ngọc Lan ngừng hoạt động văn nghệ một thời gian; Đau buồn vì người chị ruột là nhà văn nữ, Lê Thảo Chuyên (nghe nói rất giống Ngọc Lan) bị bắn chết trong một vụ cướp ập vào nhà ở Cali; Đồng thời Ngọc Lan vừa khám phá mình bị mắc chứng bệnh hiểm nghèo Multiple Sclerosis (gọi tắt là MS), tạm dịch: “Đa Xơ Cứng”.

Những triệu chứng của MS bao gồm tứ chi run rẩy và co thắt cơ, dần dần cơ thể cử động bị tê buốt, liệt, mất thị lực, mất trí nhớ hoặc không có khả năng phán đoán và cân bằng tư thế. Bệnh này hiếm xảy ra với người Á Đông và không do di căn. Đa số người mắc bệnh MS gặp phải tình trạng tái phát rồi thuyên giảm tạm thời và càng ngày càng xấu đi. Chỉ có chút ít cơ hội phục hồi. Họ dùng thuốc giảm đau và trị liệu để kéo dài sự sống.

Vì Ngọc Lan đột ngột vắng bóng trên sân khấu ca nhạc khi đang nổi tiếng, làm khán  giả thắc mắc và đặt nhiều nghi vấn. Lời đồn đại nói cô bị bệnh tiểu đường trầm trọng, làm mờ mắt và sắp bị cưa chân. Nghe vậy, thiên hạ nhiều “chiện” bắn tiếng với nhau. Oái oăm thay, đa số lại từ miệng các fans của nàng mới chết chứ!

Đầu năm 1994, bệnh tình Ngọc Lan có phần thuyên giảm (đây gọi là MS diễn tiến), nên cô trở lại trong một số chương trình. Đêm ca nhạc ghi nhớ đầu tiên mừng cô tái ngộ với quý khán thính giả Nam Cali: “Ngọc Lan và thính giả yêu thương”, được tổ chức ở thành phố Anaheim với kết quả thành công mỹ mãn. Tuy nhiên sau buổi ca nhạc đó, khán giả cũng nhận xét tiếng hát của cô không còn linh động như xưa? 

Tháng 12 năm 1994, Ngọc Lan làm lễ thành hôn với Mai Đăng Khoa tức nhạc sĩ Kevin Khoa. Anh chơi keyboard trong ban nhạc Bolero. Ban nhạc Bolero có hiện diện trên video Paris By Night 15 vào năm 1992. Theo nguồn tin thì Kevin Khoa trẻ hơn ca sĩ Ngọc Lan khoảng 4 tuổi. Đây là cuộc hôn nhân đầu tiên của ca sĩ Ngọc Lan và nhạc sĩ Kevin Khoa. Không như tin đồn nói rằng nàng từng có hai đời chồng. 
       
Ngọc Lan xuất hiện lần cuối trên video Paris By Night 35 vào năm 1996 với nhạc phẩm: “Cơn Mưa Trong Đời”,  (lời Việt: Khúc Lan). Vài lần sau đi hát, em gái nàng phải đi theo để giúp chị trang điểm và phụ việc đi đứng, vì thị lực nàng kém. 

Khoảng năm 1997, thì Ngọc Lan lại lui vào trong bóng tối một lần nữa vì căn bệnh bộc phát. Có tin đồn, nói nàng tự tử vì đau đớn và tuyệt vọng. Theo tài liệu y khoa thì tỷ lệ tự tử của người mắc bệnh MS cao, nên ai có bàn tán thêm cũng đâu gì lạ?

Dựa theo bài viết của ca sĩ Don Hồ, thì Ngọc Lan có đi lưu diễn ở Âu Châu cùng chung với một số nghệ sĩ vào năm 1998? Tuy nhiên, nhạc sĩ Trường Kỳ (qua đời năm 2009) có tường thuật chuyện Ngọc Lan và Kevin Khoa đã dành cho Nam Lộc và Thùy Trinh một cuộc phỏng vấn cuối cùng trên đài truyền hình, phát hình vào ngày 14 tháng 3 năm 1998 tại California.

Sở dĩ Ngọc Lan nhận lời phỏng vấn vì muốn đánh tan dư luận thị phi về mình. Kevin Khoa cho khán thính giả biết sơ về tình trạng sức khỏe của vợ. Đồng thời anh ta đính chính nguồn tin thất thiệt nói là Ngọc Lan mang bầu và sanh con trong thời gian vắng mặt.

Thật ra cả hai mong muốn có con, nhưng không được. Ngọc Lan cũng hạn chế tham dự các buổi ca nhạc. Tính ra Ngọc Lan vươn cao trên con đường sự nghiệp âm nhạc được hơn 10 năm (1986-1997), trình bày hơn 800 ca khúc và trên 40 video tiểu phẩm.

Kevin Khoa sau này tạo dựng studio: Ngọc Lan Musique và thực hiện được một CD ưng ý: “Vĩnh Biệt Tình Anh”.  

Những gì đến rồi phải đến, những năm tháng bệnh hoạn, tiền nhà thương và thuốc thang đã lấy đi hết phần sản nghiệp dành dụm của cô có được trong những năm dài đi hát. Chồng cô, Kevin Khoa, chơi nhạc là nghề tự do nên không có bảo hiểm cho vợ. Gia đình cô cũng không thể lo nổi chi phí y tế. Có nguồn tin nói rằng, Ngọc Lan bắt buộc phải làm giấy ly dị với chồng vào năm cuối để có đủ điều kiện xin trợ cấp y tế medical. Chuyện này hoàn toàn có thật!

Sáng thứ Tư  mồng 7 tháng 3 năm 2001, đài Little Sàigòn Radio loan tin nữ ca sĩ Ngọc Lan qua đời đột ngột vào ngày hôm qua, lúc 8:25 sáng tại bệnh viện Vencor gần Little Sàigòn. Mặc dầu các fans của nàng đoán biết sẽ có ngày này. Những ai từng ái mộ và yêu mến ca sĩ Ngọc Lan khi nghe được hung tin, chắc không khỏi bàng hoàng xúc động, thương tiếc một hồng nhan bạc mệnh đã vĩnh viễn ra đi!

Đám tang của ca sĩ Ngọc Lan được cử hành trọng thể theo nghi thức công giáo với đông đảo thân hữu và fans ái mộ đến tiễn đưa cô vào ngày thứ Bảy mồng 10 tháng 3 năm 2001. Cô được an táng tại nghĩa trang Chúa Chiên Lành (The Good Shepherd Cemetery) tọa lạc ở số 8301 Talbert Avenue, Huntington Beach, CA 92647, (góc Beach Blvd).

Năm tháng sau ngày Ngọc Lan mất, người viết có dịp trở về California, nơi có nhiều kỷ niệm thời “chai chẻ mới nhớn”. Lái xe từ phi trường Los Angeles về quận Cam là ghé thăm mộ nàng trước tiên. Địa điểm nghĩa trang Chúa Chiên Lành (Good Shepherd) quen thuộc, vì người viết từng là thổ địa lớn lên ở hạt Huntington Beach.

Nhưng nếu quý vị nào ở xa đến Nam California chơi và có ý định viếng thăm mộ nàng thì cũng dễ kiếm thôi. Lạc lõng thì có iPhone hay hỏi nhân viên nghĩa trang là xong ngay. Lô đất lớn vị trí mộ phần của nàng, nằm ở phía bên tay trái từ cổng nghĩa trang vào. Cỏ mộ ca sĩ Ngọc Lan năm đó xanh mướt vì mới đắp. Còn cỏ các mộ khác chung quanh đã ngã vàng vì nắng hè California và ít mưa giữa tháng 8 năm 2001. Nghĩa trang này chỉ trồng cỏ trên mộ để dễ dàng cắt cỏ và chăm sóc.

Ban đầu người viết cũng không biết mộ nàng ở đâu? Hỏi cô người Việt là nhân viên quản trị nghĩa trang cho biết phần mộ ca sĩ Ngọc Lan số: G2225, grave#3 và được nhắc thêm, anh cứ thấy mộ nào có nhiều bông hoa là mộ của ca sĩ Ngọc Lan. Hoa tươi lẫn hoa giả từ fans của nàng tặng. Người viết đứng nhìn tấm bia đá mài mầu đen thấy tên Maria Lê Thanh Lan và Ngọc Lan khắc ở giữa.



Và đây là hình ca sĩ Ngọc Lan khắc trên tấm bia đá mài mầu đen. Nàng vẫn đẹp như xưa và đôi mắt buồn vời vợi như thuở nào!

Những năm sau trở về Cali thăm viếng mộ nàng, không còn thấy nhiều bông hoa nữa? Có thể nhân viên người Mễ, làm ở nghĩa trang lấy bỏ đi vì trùng vào ngày cắt cỏ? Tuy nhiên, nếu quý vị nào bên lương muốn viếng mộ ca sĩ Ngọc Lan cũng đừng có ngại, khi đến nghĩa trang Good Shepherd của công giáo. Một vài cây nhang khấn vái cho thần tượng của mình là tốt rồi! Nhắc khéo một chút là đừng đến nghĩa trang khi mặt trời lặn (sau 5 giờ chiều) như ca sĩ Don Hồ đã làm nhé!

Người viết có ý định viết về ca sĩ Ngọc Lan từ lâu. Tưởng rằng chỉ vài mình “ên” viết thôi, ai ngờ vào “in tờ nét” mới khám phá ra có tới cả trăm cảm nghĩ và bài viết ái mộ nói về ca sĩ Ngọc Lan từ trong cũng như ngoài nước. Tiêu biểu như ilovengoclan.com. Trường hợp của Ngọc Lan là ngoại lệ. Những gì người viết biết và chứng kiến mong được chia sẻ với bạn đọc. Xin hãy coi đây là lời tạ từ đối với nàng vậy. Riêng ai từng ái mộ ca sĩ Ngọc Lan, hỏi bao giờ sẽ đến phiên bạn viết? 
 
Tuy ca sĩ Ngọc Lan không còn nữa. Nhưng những gì chúng ta cảm nhận lời ca hay, tiếng hát ngọc ngà, nhân cách và dáng đẹp kiêu sa của nàng, xin ấp ủ hình ảnh đó mãi trong tim. “Hãy ôm Ngọc Lan trong những huyền thoại tuyệt vời”, như lời MC Nam Lộc.

Từng ngày dài trôi đi mãi, với bao nhớ thương.

Kỷ niệm đẹp như khúc hát, chỉ là nước mắt xót xa.

MC Nguyễn Ngọc Ngạn một lần nhắc về ca sĩ Ngọc Lan:

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng

Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.

tạm dịch:

Người đẹp từ xưa như tướng giỏi

Không để dân gian thấy đầu bạc.  

Darren Thăng.







Tuổi Học Trò Sau Ngày Khép Cửa


Darren Thăng

LTG: Thân tặng các bạn 10-11D6 & 12C6 (niên khóa 1975-78), trường trung học phổ thông cấp III Nguyễn Thượng Hiền, Sàigòn. Niệm nén hương lòng tưởng nhớ Nguyễn Văn Kính, đã vĩnh viễn ra đi vào miền miên viễn… 

Học sinh thành phố Sàigòn theo thông báo của nhà nước phải hiện diện tại trường, sau hai tuần lễ ngày miền Nam mất. Có người đến để ghi danh học cho niên khóa mới, theo thủ tục quy định. Kẻ thì rút học bạ ra, nộp đi trường khác. Dăm ba đứa học sinh đành thôi học, giã từ bạn bè để dọn nhà về quê. Vài thằng con ông cháu cha không thấy xuất hiện nữa, nghe đồn đã cùng gia đình di tản ra nước ngoài. 

Như đa số chúng bạn, Thăng (tác giả) cũng ghé đến trường nam trung học tư thục Lasan Hiền Vương ở Ngã Sáu Công Trường Dân Chủ Sàigòn, để xin rút học bạ của mình ra. Tất cả trường ốc, giờ đây bị quốc hữu hóa cả rồi. Còn đâu nữa mà phân biệt giữa trường tư với trường công. Nhưng thật tình mà nói, Thăng cũng không biết sẽ đi học ở đâu nữa? Thôi cứ mang học bạ về bàn chuyện với gia đình trước, rồi hậu tính… 

Chung quanh khu vực Ngã Ba Ông Tạ, chẳng có nhiều trường trung học phổ thông cấp III (cấp lớp 10-12) để chọn lựa. Đi về hướng đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ), có trường trung và tiểu học tư thục Saint Thomas thuộc nhà thờ Đa Minh Ba Chuông (sau 75 bị trưng dụng đổi thành trường trung học phổ thông cấp III Phú Nhuận). 

Ngược về hướng Ngã Tư Bảy Hiền, đối diện với bệnh viện Vì Dân (Thống nhất), (trước 1975 của bà Nguyễn Văn Thiệu, cựu phu nhân tổng thống VNCH), có trường trung học phổ thông cấp III Nguyễn Thượng Hiền. Gia đình khuyên Thăng nên đăng ký vào trường đó, vì có ông anh lớn vừa tốt nghiệp tú tài lớp 12 vào tháng 6 vừa qua.   

Trường trung học phổ thông cấp III Nguyễn Thượng Hiền, có diện tích chu vi khá rộng. Cổng chính tọa lạc tại số 544 đường Cách Mạng Tháng 8 (xưa là Lê Văn Duyệt), thuộc quận Tân Bình với hai dẫy lầu hai tầng màu trắng xây đối diện nhau. Bên trong khuôn viên trường học, có trồng nhiều cây phượng vĩ với nhiều nhánh bông đỏ nở rực rỡ mùa hè. Xe đạp học sinh được dựng bên trong cổng trường cho an toàn. 

Giữa hai dẫy lầu là sân cột cờ. Cuối sân cột cờ có một nhà nghỉ mát (còn là nơi tập hợp của các cấp lớp 10), chỉ có mái tôn cao che nắng che mưa và thềm xi măng láng mà thôi. Vòm nhà nầy, thường là nơi tụ họp của đám nam sinh ngồi nghỉ mệt sau mỗi lần chơi banh. Đàng trước và đàng sau nhà nghỉ mát thông tuốt với nhau. Mặt trước đối diện với sân cột cờ và mặt sau là sân bóng rổ.  

Rẽ bên phải của sân bóng rổ là con lộ rải sỏi, hướng ra khu Đại Hàn. Khu này gồm nhiều dẫy nhà tôn không có cửa sổ, được xử dụng làm phòng học cho 8 cấp lớp 10 (niên khóa 1975-76). Học sinh phải dùng cây, chống phên gài lên để có ánh sáng và gió lùa vào lớp học mỗi ngày. Tám lớp nhà trệt và khu vực chung quanh, trước đây là trại lính của quân đội Đại Hàn. 

Cổng vào khu Đại Hàn nằm trên đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ). Lịch sử trường công lập Tân Bình gồm các cấp lớp 6-12, được thành lập vào năm 1969. Những năm đầu tiên thành lập, học sinh phải được tuyển chọn mới được ghi danh theo học ở đây. Vài năm sau đó, trường đổi tên là trung học công lập Nguyễn Thượng Hiền. Dưới chế độ mới, thì đổi thành trường phổ thông cấp III Nguyễn Thượng Hiền (cấp lớp 10-12) như đã tường trình. 

Niên khóa đầu tiên (1975-76), dưới chế độ mới khai giảng trễ hơn thời quốc gia. Học sinh nhập học từ đầu tháng 9, nhưng chỉ đi lao động dọn dẹp, nhặt rác, quét dọn, lau chùi phòng ốc, phát cỏ và đào mương vét cống ở phía đằng sau đồng trống bỏ hoang mà thôi. Còn học văn hóa phải đợi đến tháng 10 lần. 

Không riêng gì học sinh bị bắt đi lao động, các thầy cô giáo viên phải tiên phong đi trước, người nào cũng vén tay áo, xắn chân quần oằn mình ra lao động mệt nghỉ. Chẳng trách gì chủ trương của nhà nước từng áp đặt ở miền bắc từ 20 năm trước (1954-1975) với chính sách: “lao động trước, học tập sau.”  Bổn cũ soạn lại, họ đem ra áp dụng trong nam, làm học sinh tưởng rằng câu nói trên mới có sau nầy. 

Lần đầu tiên đến trường trung học phổ thông cấp III Nguyễn Thượng Hiền vào đầu tháng 9, Thăng như người lạ nước lạ cái vậy. Ai ai thấy cũng đều xa lạ hết. Bốn năm theo học ở trường Lasan Hiền Vương, có bao giờ Thăng được ngắm các tà áo trắng nữ sinh, phảng phất mùi hương trinh con gái bao giờ đâu? 

Nay có dịp học chung với mấy em nữ sinh đang tuổi dậy thì với gò má đỏ ửng hồng, không biết sẽ phản ứng ra sao nữa? Tâm hồn cậu con trai 15 “mới nhớn”, đã biết rung động trước vẻ đẹp tự nhiên của các thiếu nữ ngày ấy, thấy ngờ ngợ như Lưu Nguyễn đang lạc bước vào cõi thiên thai khi xưa. 

Đứng trên bục thềm nhà mát xem nam sinh chơi bóng rổ vào lúc xế trưa, giữa cái nắng chang chang như thiêu như đốt. Thăng đang trò chuyện với người bạn mới quen tên là Tân (biệt danh là Robe), bỗng nghe tiếng chửi thề oang oang của một thằng tóc quăn có nước da ngăm đen. Tay áo thì xắn tới cùi chỏ và bảng mặt láu cá như tay anh chị:  

- “Đù…tụi bây sao không ra chơi”, đứng xớ rớ ở đây để làm gì?                                                                               

Thấy thằng nào thằng nấy đứng lặng thinh thin thít như tờ, thì gã nầy thừa thắng “sủa” tiếp, nói mãi không ngừng. Tân Robe đứng bên cạnh Thăng ghé tai nói nhỏ: 

- Tên ấy là Kính Thầy Chùa! 

Nghe nói đến biệt danh thầy chùa, tựa như dân dao búa làm Thăng hoảng sợ. Vì sao lại có dân du đãng đi học ở đây thế nầy? Biết đâu gã nầy lại học chung lớp với mình nữa không chừng? Còn chưa hoàn hồn thì Tân Robe giải thích cho biết, trước ngày “giải phóng”, tên Kính đi học mặc áo cà sa như chú tiểu và đầu thì cạo trọc lóc, nên học sinh trong trường đặt cho nó cái biệt danh: “tụng kinh gõ mõ” đấy. 

Nay đổi đời, nó thay xiêm y bằng chiếc áo sơ mi trắng phanh ngực. Tóc để dài và râu mép mọc đen rậm cả bờ môi. Tính tình thì ngỗ nghịch, hay chọc gái một cây xanh rờn. Tụi học sinh thấy vậy, mỉa mai cho rằng nó giả mạo thầy chùa để trốn quân dịch. Nhưng sau nầy được biết Nguyễn Văn Kính sinh năm 1958, vẫn chưa đến tuổi đi lính nếu chiến tranh còn tiếp tục đến năm 1976. 

Y như lời Tân Robe nói, Kính được xếp vào lớp 10D6, học ban chiều cùng chung với chúng tôi.  Hắn thường hay ra vẻ ta đây là một tay trưởng lớp với giọng nói ồn ào vì là một học sinh cũ đã từng quen biết nhiều thầy cô được giữ lại dậy. Thật ra, trưởng lớp 10D6 (1975-76) ngày đó tên là Vũ. Anh ta có thân hình mảnh khảnh ốm yếu, cao trung bình và giọng nói thì nhỏ nhẹ như con gái vậy.   

Lớp 10D6 (1975-76) với tổng số 2/3 là nữ sinh. Nhưng không riêng gì 10D6 mà 7 lớp 10 kia cũng vậy. Nghĩa là con gái luôn nhiều hơn con trai. Học sinh phần đông từ hướng Bà Quẹo xuống, hoặc sống chung quanh khu vực Ngã Tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả và Ngã Ba Ông Tạ đến học. 

Một số nữ sinh phải đạp xe một đoạn đường dài từ quận Phú Nhuận lên hay từ mạn cầu Trương Minh Giảng đến học mỗi ngày, thấy mà chạnh lòng cho thân gái dặm trường. Mấy thiếu nữ nầy tương đối xinh đẹp, có lẽ thuộc gia đình khá giả hay con gái của các viên chức chế độ cũ nay bị lỡ vận. 

Nhiều cô có làn da trắng nõn nà, khuôn mặt tuyệt đẹp như người mẫu và vòng eo số 8 rất chiếng như Nhung, Mai, Ngọc, Nga v.v. thì được xếp vào lớp 10D8, với tỉ số chiếm nhiều nữ sinh đẹp nhất. Các cô mặc áo dài trắng, ngồi trên xe đạp để lộ lớp da xẻ ngay vòng eo trông thật hấp dẫn.   

Riêng lớp 10D4 có cô nữ sinh xinh xắn tên là Thùy Trinh, người thùy mị nết na. Mỗi lần nàng đạp xe đi học ngang qua, Thăng làm bộ quay mặt đi vì ngượng ngùng ở căn nhà lụp xụp.     

Còn phần đông nữ sinh lớp 10D6, nhìn bề ngoài trông xuề xòa và ít trang điểm hơn. Nhưng lại thật thà, chất phác và chăm chỉ học hơn nam sinh vì không bị chi phối viễn ảnh đi nghĩa vụ. 

Vài nữ sinh lớp nầy cũng có nét như Nguyễn Thị Cúc, Bùi Thị Thu Dung và Huỳnh Thị Thanh Danh. Cúc có khuôn mặt khiêu gợi và tướng tá ngon lành, lại cư ngụ gần ga xe lửa Cống Bà Xếp nên đám con trai đặt cho cái hỗn danh chết người. Thu Dung có một nốt ruồi trên gò má, nhìn kỹ thấy có duyên. Còn Thanh Danh gốc người Hoa, nhà có cửa hàng ở chợ Phú Nhuận. Mắt nàng mí lót, tướng cao, mảnh mai và hiền thục. Nói tiếng Việt nhỏ nhẹ giọng miền Nam, nghe dễ thương. 

Nhớ lần đi thủy lợi trên miệt Hóc Môn. Thanh Danh đứng cạnh Thăng chuyển đất sét từ tay người đứng dưới kinh lên trên bờ. Vô tình sao mấy miếng bùn bắn lên mặt. Thăng ga-lăng móc khăn mù xoa sạch sẽ đưa cho cô nàng lau. Với tư cách lịch sự, cô nàng mang về nhà giặt giũ và ủi thẳng nét. Bèn gởi lại Thăng khi gặp lại trong trường: 

- Cho Thanh Danh gởi lại chiếc khăn. 

Thăng không ngờ nàng đem trả lại chiếc khăn, nghĩ rằng đã dính bùn dơ đành bỏ đi: 

- Cảm ơn Thanh Danh nha! 

Nói được như vậy, nhưng lại không biết mở miệng tán gái một câu nào. Khi viết bài nầy phải thốt lên “ối dzời ơi”, sao mi lại khờ khạo và cù lần đến thế. Đây là cơ hội để tiến tới, nếu biết mạnh dạn tán gái là được rồi! Tấm khăn mù xoa viền xanh sọc nâu lợt đẹp, Thăng đã mang theo ngày đi vượt biên. Đến bây giờ nó được xếp vào món đồ cổ mà mỗi khi nhìn lại chiếc khăn mù xoa cũ, cứ tủm tỉm cười cái ngu nguội của mình. 

So với đám con trai của 7 cấp lớp 10 khác, thì có lẽ 15 thằng thuộc lớp 10D6 quậy nhất. Làm nổi cũng nhờ tay chơi thứ thiệt, Kính Thầy Chùa. Kính là con hay cháu Thầy Năm Bảo trị bá bịnh, có tiệm đối diện với nhà giây thép gió. Mai Hoàng Sơn là người miền Trung, gia đình dính dáng với cách mạng ở ngay Ngã Tư Bảy Hiền. Nhà Sơn dệt vải sinh sống, tính rộng rãi với bạn bè. Anh chỉ thân với Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Hùng Anh và Thăng.   

Con trai vui vẻ nhất lớp có má lún đồng tiền duyên là Nguyễn Văn Chung. Vũ trưởng lớp đặt cho biệt danh là: “Don Juan.”  Một tay ăn chơi nổi tiếng người Tây Ban Nha. Chung rất dẻo miệng, tán gái một cây và là một học sinh cũ của trường nên đã có bạn gái. Người hay càm ràm phải kể là Huy. Hắn có tật so bì với phái nam, vì không muốn đứng xếp hàng gần đầu khi có lệnh tập hợp trong nhà nghỉ mát. 

Nhà của Nguyễn Văn Hòa trong một con hẻm nhỏ của giáo xứ Vinh Sơn 3 rất gần với nhà Thăng. Một dịp tình cờ Nguyễn Văn Hòa bán được cây bút mực hiệu Parker với giá khá cao và đãi bạn bè cùng xóm ăn nhậu ở quán bên đường, đối diện với rạp Đại Lợi (nay là trung tâm thương mại Premium Outlets?). Thấy Thăng đi bộ ngang qua, anh ra ngoắc tay gọi vào bảo có đói bụng không, bèn gọi cho một dĩa cơm tấm và ly trà đá làm Thăng mắc nợ mãi.    

Nguyễn Hùng Anh thời còn trai trẻ có diện mạo cao ráo và đẹp trai nhất lớp. Anh là con của một binh sĩ không quân sửa máy vô tuyến, có nhà trong sân bay Tân Sơn Nhất. Không đi di tản dược, cả gia đình đông người phải dọn ra ngoài sống. Những năm đầu tiên ở khu Tôn Đản, Vĩnh Hội. Mỗi ngày đi học ở trường Nguyễn Thượng Hiền, phải đạp xe mệt nghỉ. 

Hùng Anh, Hòa, Sơn và Thăng có lần rủ nhau lên Sàigòn chơi và ghé vào quán bia quốc doanh đối diện với rạp hát Eden uống bia hơi. Đó là lần đầu tiên, trai “mới nhớn” tập tành uống bia. Ly bia hơi sùi đầy bọt, lạnh lạnh có vị đắng khó uống. Thấy thiên hạ uống ngon ơ, tụi nầy cũng muốn thử cho biết. 

Nguyễn Hùng Anh và Thăng là đôi bạn chí thân, có rất nhiều kỷ niệm với nhau như đạp xe ba gác chở các thùng dầu hôi ở các hợp tác xã về nhà dân trong khu vực của anh ở. Ăn hàng cháo chợ cùng với nhau, hay đạp xe tà tà lên Sàigòn dạo phố và ngắm mấy em váy ngắn chân dài du dương vào đêm Noel 24 tháng 12. 

Quản nhiệm lớp 10D6 năm 1975-76 là một giáo viên Việt Văn thì phải. Cô thường hay khó khăn với nam sinh nên họ không thích cho lắm. Tuy nhiên có 2 giáo sư được học sinh thích nhất là cô Thi dậy Vạn Vật Học và thầy Tín dậy Vật Lý. Cô Thi là người bắc, lớn hơn đám học sinh khoảng 12 tuổi.  Cô luôn mặt áo dài, với tướng đi rất sàng xê. Cô ta có câu nói mà Thăng còn nhớ mãi từ năm 1975:

- Cô và các em sẽ sống và bước sang thế kỷ thứ 21 vào năm 2000. 

Nghe nói chồng cô Thi bị đi cải tạo. Cô ta là bạn học cùng trường với một người cô ruột của Thăng. Vào năm 2010, Thăng có nhờ người em họ hỏi mẹ về tin tức của cô Thi, bây giờ cô ở đâu? Người cô cho biết là đã mấy chục năm rồi, không còn thấy cô Thi hay nghe tin tức gì nữa cả. Có lẽ gia đình cô ta đã đi định cư ở nước ngoài.   

Một lần nam sinh của lớp 10D6 bất mãn với giáo viên quản nhiệm nên dù đi chơi và đình công “bãi trường” mất mấy ngày. Đám con trai rủ nhau lên phố và trèo lên cây me cao, trồng dọc hai bên đường hái vui chơi, rồi ghé thăm nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi của các gia đình quý tộc. Cả nhóm đi tìm 2 ngôi mộ thanh đạm không khắc tên của TT Ngô Đình Diêm và cố vấn Ngô Đình Nhu cho biết, bỗng dưng Tiến “con” la toán lên đùa giỡn: 

- Coi mộ ông nầy chết mà tên gắn đầy Kim Cương! 

Cả nhóm nhao nhao ngó ngôi mộ xây kiên cố, gắn đá mài mầu xanh xám rất hùng vĩ với ngọn tháp vuông cao nhọn. Nhìn lên trên mộ thấy khắc tên: “Cố Chuẩn Tướng Lưu Kim Cương.” Khi ra hải ngoại, Thăng tìm tài liệu và biết rằng nhạc phẩm: “Cho Một Người Nằm Xuống”, là sáng tác riêng cho người đã khuất. 

Riêng về vụ trốn học đi chơi, cả đám con trai đều bị kiểm điểm và lãnh phạt. Hiệu Trưởng Lê Bền (bí danh Tư Bền) có tướng mạo nhỏ con là người miền Nam tập kết vặn hỏi lý do và rầy la một trận.   

Niên khoá 1976-77, các cấp lớp 11 được dọn sang dẫy lầu chính nằm bên trái của cổng trường. Nguyễn Thị Cúc đã thôi học.  Năm nay có Hà, con một cán bộ gộc mới từ ngoài Bắc vào học chung. Còn thêm Liên, có khuôn mặt trái xoan xinh đẹp, người bắc di cư và sống ở đằng sau hồ tắm Cộng Hòa. Hòa rất thích cô nàng nhưng vì nhát gái, không dám tán tỉnh. Để cho Sơn “cua” dùm hay “cua” luôn? 

Lớp 11 có người thầy giáo dạy Hóa mới tên là Trần Thiện Bật. Học sinh nam cứ bàn tán là anh ruột của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, nhưng có lẽ chỉ trùng tên họ và đệm thôi. Thầy Trần Thiện Bật dậy rất nhiệt tình và thích văn nghệ với học sinh.    

Nhận xét thấy nam sinh không thiết học cho lắm vì toàn bài bản chính trị, đành tìm vui trong thể thao như đá banh, bóng chuyền và bóng rổ. Đám con trai hay kéo nhau qua bãi đất trống trong nghĩa trang quân đội Pháp (nay là nhà văn hóa Tân Bình), đối diện với cổng vào khu Đại Hàn để dợt bóng đá đến chiều tối. Áo thằng nào thằng nấy ướt sũng vì mồ hôi đổ ra. Vài lần đấu giao hữu với nhóm bạn khác, phải đạp xe lên tận Bà Quẹo. 

Còn bóng chuyền thì chỉ đánh vui chơi trước giờ học và vào tiết nghỉ giải lao của lớp 11 mà thôi. Sân bóng chuyền sát cổng đường Hoàng Văn Thụ. Cứ giăng lưới vội lên đánh một chập và tháo lưới mang về sau kẻng báo hiệu hết giờ nghỉ giải lao. Đôi khi cũng có vài nữ sinh cầm vợt ra đánh vũ cầu bên cạnh sân cho giãn gân giãn cốt.

Ngoài ra trong lớp không có vụ sinh hoạt văn nghệ văn gừng ngoài trời hay tổ chức đi pinic. Để nam nữ có dịp gần gũi, hòa đồng và cảm thông với nhau hơn. Học chung một lớp mà con gái thì chơi với con gái, còn con trai thì chơi với con trai. 

Vài thằng còn bá vai hay khoác tay qua cổ nhau như đôi tình nhân. Nhìn hơi kỳ nếu sống ở nước ngoài, nhưng ở Việt Nam thì coi như thân tình đấy. Đó là một thiếu sót lớn trong đời học sinh của chúng tôi vì hoàn cảnh mới, dễ dàng gì thực hiện được. Hay có lẽ mỗi lần đi thủy lợi chung, thì coi như là đi pinic rồi hỉ.           

Đầu niên học lớp 11, Thăng cùng với người em trai từng nhẩy tầu xe lửa đi Hố Nai bán gạo sinh sống và mua lại sắn hay bắp (ngô) để mang về cho gia đình ăn độn. Lúc bầy gạo ra bán giữa trưa, trời nắng chang chang và bị mấy bà bắc kỳ Hố Nai trả giá mạt tệ. Thăng bắt gặp Cúc Cống Bà Xếp cũng đang đứng bán gạo với hai thanh niên và một thiếu nữ đi cùng. 

Nhóm của nàng đến trước nên bán hết sớm, rồi đón tàu đi về. Đi ngang qua chỗ Thăng ngồi chồm hổm cùng với thằng em, nàng hỏi đã bán được gì chưa. Dĩ nhiên hỏi cho có lệ. Nhìn nàng ăn mặc xập xệ vì phải bươn trải trong cuộc sống. 

Chiều hôm đó ngồi trên mui xe lửa về Sàigòn qua Trại Suối Máu, thấy một tốp sĩ quan cải tạo đang canh tác, anh em vô tình vẫy tay dò tìm thân nhân, hai binh sĩ chế độ cũ ngồi bên cạnh nhắc nhở không nên chỉ chỏ, kẻo vệ binh nổ súng. Hai người đó bàn tán cho rằng Tướng Nguyễn Hữu Có, được Tổng Thống Dương Văn Minh mời đảm nhận chức vụ phụ tá đặc biệt là nội gián. Nhưng không hiểu sao ông ta lại bị tù cải tạo 12 năm (1975-1987)?  

Hòa, Sơn và Thăng cũng có lần đáp xe lửa lên tận Long Khánh. Cả ba lội bộ vào rẫy gần chân Núi Chứa Chan tham quan cho biết.  Nghe nói nơi đây Sư Đoàn 18 Bộ Binh (VNCH) từng đánh một trận kinh hồn với nhiều sư đoàn cộng sản từ ngày 9-21 tháng 4 năm 1975, mà khi 3 thằng chúng tôi đến nơi vào mùa hè năm 1977, đã không còn dấu tích chiến tranh đâu nữa. Lẽ ra trong chuyến đi nầy còn có Nguyễn Hùng Anh nữa. Anh ta đứng lộn chỗ tại ga Sàigòn nên đành ở lại. 

Mùa xuân năm 1977, Cúc trở lại trường mấy lần để xin giấy chứng nhận đã học xong lớp 10, hầu đi xin việc làm. Nàng ăn mặc chải chuốt và quần bó sát người, trông hấp dẫn khôn tả. Nhưng chuyện xin được giấy chứng nhận từ nhà trường có lẽ không thành, vì thấy nàng ngã về không.   

Kính Thầy Chùa bỏ ngang lớp 11, gần cuối niên khóa vì có giấy gọi đi nghĩa vụ. Vũ trưởng lớp 10D6 cũ, nghe nói cũng có tên đi. Lớp 11D6 bầu Thu Thủy (nhà trên đường Hoàng Văn Thụ) làm trưởng lớp. Cô nầy hay phê bình nam sinh ngỗ nghịch trước lớp cho quê độ, trong đó có Thăng. Nghe nói sau nầy cô ta cũng bỏ xứ ra đi.  

Cuối tháng 8 năm 1977, Hòa, Sơn và Thăng có dịp đi thăm Kính Thầy Chùa trong quân trường Quang Trung. Bộ đội kiểm soát an ninh chỉ cho chúng tôi dẫy ghế bố, khu vực của Kính nằm với các tân binh khác. Súng được khóa trong tủ. Gạn hỏi đã tập bắn một viên đạn thật nào chưa thì anh ta nói nhỏ chỉ được bắn bằng đạn giả mà thôi. Kính dẫn chúng tôi đi mua nước uống và sau cùng chia tay từ giã. Đó là lần cuối cùng Thăng gặp được Kính.  Xét ra, Kính Thầy Chùa thích làm nổi, nhưng tâm địa không thâm độc.  

Trên đường về, Hòa và Sơn nói chuyện thao thao về vụ Kính đi nghĩa vụ. Riêng Thăng giữ im lặng tuyệt đối vì: “hay nói thì dzô tù.” Thăng suy nghĩ lo lắng cho số phận. Chắc xong lớp 12, rồi sẽ đến lượt mình. Phải tìm đường dzọt, đi vượt biên thôi. 

Niên khoá 1977-78, các cấp lớp 11 ban chiều đổi ký hiệu thành 12C. Lớp 11D6 của chúng tôi trở thành 12C6. Huỳnh Thị Thanh Danh cùng với một bạn gái người Hoa, ghé trường lấy học bạ ra ngay từ tuần đầu nhập học để nộp đơn đi trường phổ thông cấp III Phú Nhuận thì phải? Nàng không thèm nói một câu từ giã nào cả.   

Thời gian nầy Thăng đã có tên trong danh sách gọi đi nghĩa vụ từ Phường 2, Quận Tân Bình. Nhưng may mắn thay vào chập tối thứ Tư gần cuối tháng 10 năm 1977, bố của Thăng gọi vào phòng riêng và cho biết có người thân chấp thuận cho một anh em trong gia đình ta đi vượt biên vào sáng sớm ngày mai. 

Ông giải thích rằng, đáng lẽ ra vị trí nầy là của anh hai con. Nhưng nếu gọi anh hai về ngay mà đi không lọt, thì vỡ nợ ra, anh hai con sẽ bị đuổi ra khỏi trường. Thôi, con đi thế vậy. Nếu ra được nước ngoài, hãy ráng học hành để bảo lãnh bố mẹ và các em nhỏ sang với. Thăng chỉ biết nói: “dạ.”  

Ngay tối hôm đó, Thăng định ghé nhà Hòa để mời đi uống nước và âm thầm nói lời từ giã. Đi ngang qua nhà Hòa, thấy anh ta đang đứng cởi trần và tiếng heo nuôi trong nhà kêu inh ỏi. Thăng tự nghĩ có nên hay không?  Thôi đành gạt lệ mà đi vậy!   

Những ngày tháng trong trại tị nạn ở Mã Lai sau chuyến vượt biên thành công, Thăng cứ ngóng trông xem có các bạn học người Việt hay gốc Hoa đi bán chính thức đến được đảo hay không. Mong chờ mãi nhưng hoàn toàn vô vọng vì lần nào cũng thấy im hơi lặng tiếng tin tức người quen, cho đến ngày lên đường định cư ở Mỹ Quốc vào năm sau. 

Lần về Việt Nam thăm quê hương đầu tiên vào tháng 5 năm 1996, Thăng có ghé thăm Hòa. Hòa sống ở đằng sau căn nhà đúc của bố mẹ Thăng mới xây trên mảnh đất nghĩa trang bên lương đối diện với rạp cine Đại Lợi. Hòa không thể nào nhận ra Thăng được nữa, đến khi Thăng nói cho biết. Trong lúc hàn huyên vài phút, Hòa trách cứ là Thăng tệ bạc lắm. Thăng im lặng vì biết nói gì hơn. Tự nhủ, cứ sang Mỹ sống rồi sẽ hiểu thôi. 

Thăng cũng gặp lại Nguyễn Hùng Anh mở tiệm sửa radio và vô tuyến trên đường Cách Mạng Tháng 8, gần ga xe lửa Cống Bà Xếp (chợ Hòa Hưng). Hỏi có gặp Cúc hay không, thì anh ta gật đầu cho có lệ.  Nhắc đến Kính Thầy Chùa, Hùng Anh nói là nó đạp phải mìn chết khi đi nghĩa vụ bên Miên vào năm 1978 hay 1979 rồi. 

Cái chết của Kính, Thăng có nghe một bạn học trường Lasan (hàng xóm với Thầy Năm Bảo) kể qua đầu thập niên 80 ở Cali. Đó là lần duy nhất, Thăng gặp lại Hòa và Hùng Anh vào thứ Bẩy ngày 11 tháng 5 năm 1996, khi vừa mới xuống phi trường Tân Sơn Nhất được vài giờ. 

Hòa cho biết hiện nay anh là Kỹ Sư Lâm Nghiệp.  Một người bạn hơi xấu trai (Ngà?) hay thích đá banh sống ở trên Bà Quẹo, đã trở thành giáo viên thể dục. Chung “Don Juan”, đã vượt thoát sang Mỹ, anh ta học lấy bằng cử nhân kinh tế và hiện đang định cư ở Atlanta, GA? Thật mừng cho các bạn. 

Mạn phép được tâm tình với các bạn học 10D6, 11D6 & 12C6 (niên khóa 1975-78), trường phổ thông cấp III Nguyễn Thượng Hiền hiện đang sống trong nước và lưu lạc khắp nơi như sau. Biết rằng bài viết nầy tự thuật chuyện riêng tư cá nhân, hơn là viết tổng quát về tuổi học trò.  

Có nhiều bạn học, Thăng đã không nhắc nhở đến vì không liên hệ mật thiết. Nhưng mục đích chính của bài nầy được viết lên với hy vọng các bạn học cũ đọc được, sẽ tự viết bài có liên quan đến họ. 

Bao năm bể dâu, thăng trầm vì thời cuộc đất nước. Tất cả các bạn trẻ học chung, sau ngày miền Nam mất nay đã già dần. Nhiều nữ sinh chắc đã có con đàn cháu đống. Nam sinh thì người còn người khuất. Tự hỏi chúng ta đã làm được gì?  Hãy nhắn tin trên các mạng thân hữu mà Thăng thường gởi bài đăng, với hy vọng có dịp hàn huyên, gặp gỡ nhau, ít ra một lần vào những năm tháng cuối đời.                  

 


  



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét