Bất Bạo Động Đồng Nghĩa Với Độc Tài Cộng Sản Muôn Năm! Người Việt Phải Hành Động Để Tự Cứu Mình! Đừng Trông Chờ Bất Kỳ Ai. Blog hoạt động từ ngày 28 tháng 2 năm 2.012

Đảng Việt Tân Hành Hình Người Yêu Nước & Vụ Án Oan Khuất Và Cái Chết Của Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều Trong Rừng Núi Khu Chiến Hoàng Cơ Minh & Hồ Sơ Vụ Án Biển Thủ Tham Nhũng Đặc Biệt Lớn Nhất Trong Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại

Bạn có biết ông, bà tỉ phú nào nắm trong tay một tài sản lớn và nhiều hơn tài sản dân tộc?

Bạn có biết ông, bà tỉ phú nào sau khi làm giàu cho cá nhân và gia đình, họ có còn nghĩ ra và tìm cách thực hiện để giúp người dân trong xã hội có cuộc sống sung túc??

Nếu mỗi người trong chúng ta biết sử dụng quyền làm chủ và khai thác tài sản dân tộc để tạo điều kiện giúp đỡ từng gia đình người Việt có cuộc sống đủ ăn, và rồi giàu có, cũng như giúp cho đất nước ta cường thịnh thì chúng ta sẽ là vị tỉ phú đặc biệt đứng trên các tỉ phú!!

Nếu chúng ta cứ loay hoay với thái độ tự đắc trong cái ao tù phe nhóm thì không những chúng ta không lớn được mà lại teo dần theo thời gian!!!

Ngày 6/3/2014

Phạm Hoàng Tùng.


Nghĩ về tháng 2/1984 – tháng 2/2014.


ĐẢNG VIỆT TÂN
HÀNH HÌNH NGƯỜI YÊU NƯỚC!!!

Chương 23
 Khóa Quân Chính – Kháng Quản

Ảnh nguồn: Hồi Ký Phạm Hoàng Tùng.

Sơ đồ các căn cứ
trong khu chiến Hoàng Cơ Minh
đầu thập niên 1980
ở vùng rừng núi biên giới Thái – Lào.
Ảnh nguồn: Hồi Ký Phạm Hoàng Tùng.

Căn cứ 81, căn cứ thành lập đầu tiên.
Đây là nới trú ngụ và làm việc
của những yếu nhân Mặt Trận (MT).
Ảnh nguồn: Hồi Ký Phạm Hoàng Tùng.

                Phần trích từ Chương 23: Khóa Quân Chính – Kháng Quản trong Bộ Hồi Ký 2 tập Hành Trình Người Đi Cứu Nước của Phạm Hoàng Tùng.

       …Sau cái chết của chiến hữu Lê Hồng, khóa Quân Chính II vẫn tiếp tục, nhưng thay đổi vị trí học hành. Khóa chúng tôi được lãnh đạo Mặt Trận (gọi tắt là MT) cho di chuyển xuống căn cứ 83, nơi học là hội trường 83, nằm bên dưới khu vực trước đây đặt Đài Phát Thanh Việt Nam Kháng Chiến. Chính chiến hữu Chủ Tịch MT và chiến hữu Trần Khánh đứng ra giảng dạy khóa học quan trọng này.

       Trong khóa Quân Chính này, có ba bài học quan trọng. Bài thứ nhất là bài nói về công tác tổ chức. Bài này do anh Khánh hướng dẫn. Nội dung bài học nhấn mạnh đến sự dung dị trong tổ chức. Tổ chức bao gồm nhiều thành phần đa dạng, yếu tố dung dị khiến cho tổ chức hài hòa và hoạt động có hiệu quả.

       Đây chỉ là lý thuyết, trong thực tế, mỗi tổ chức bao gồm nhiều cá nhân, mỗi cá nhân lại là một tiểu vũ trụ, rất phức tạp. Thực tế cho thấy, MT soạn thảo bài Tổ Chức cho kháng chiến quân học hành thảo luận cũng như chuẩn bị công tác tổ chức tại quốc nội trong tương lai gần, tuy nhiên lãnh đạo MT lại không giải quyết được những bất đồng nghiêm trọng trong thượng tầng lãnh đạo tại hải ngoại.

       Điều này đã di hại nghiêm trọng cho tới hơn 20 năm sau trong sinh hoạt chính trị chống Cộng - xây dựng dân chủ cho VN tại hải ngoại đưa đến sự chán nản, châm biếm, khinh thường, lạc lõng, mất phương hướng, mất niềm tin trong các cộng đồng VN lưu vong đối với các tổ chức chính trị lưu vong. Khiến các tổ chức này bị gọi là “hữu danh vô thực”, “đấu tranh cuối tuần”, “cách mạng cuối tuần”, háo danh, phe cánh, phường hội, bọn giả hình, không vì nước vì dân mà chỉ cố sức gom góp, lường lận, ăn cắp của công, làm giàu cho cá nhân những người thành lập hay đứng đầu tổ chức cùng nhóm ăn theo. Đó là những con ký sinh trùng chính trị chống cộng, hút máu - bán thân xác người yêu nước - yêu tự do - yêu dân chủ, để vỗ béo thân xác họ.

       Bài học quan trọng thứ hai là Sự Kết Hợp. Bài nhấn mạnh đến yếu tố liên kết các tổ chức đấu tranh nhằm tạo sức mạnh cho MT. Lý thuyết bài học đề cập đến các hình thức tiếp xúc với những tổ chức chính trị khác ngoài MT. Cách lượng định tiềm năng của mỗi tổ chức qua số lượng nhân sự, khả năng cán bộ trong tổ chức và khả năng hoạt động của cả tổ chức, để khi tiến hành kết hợp, tạo thành một thế liên minh thích hợp, thống nhất và tăng cường sức mạnh đấu tranh.

       Sự kết hợp trong sáng là sự tự nguyện liên minh tạo thành một thực thể chính trị thống nhất vững mạnh, vì ích lợi tối cao của cuộc đấu tranh cho tự do - dân chủ - cường thịnh - nhân ái - nhân bản - nhân đạo cho tổ quốc và dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, thế hệ trưởng thành trong môi trường chính trị - quân sự ở miền Nam trước 1975, khó mà có sự kết hợp - thống nhất trong sáng vì lợi ích chung nói trên. Thay vào đó là vận dụng tối đa các thủ thuật, thủ đoạn chính trị trong kết hợp nhằm mục đích dành cho tổ chức mình đạt ưu thế, ưu thắng trong tiến trình kết hợp. Và vì thế sự kết hợp này đã mang mầm mống sâu xa của sự chia rẽ - phân hóa - tan rã trong đó.

       Chiến hữu Chủ Tịch giảng dạy bài này và nhiều bài khác trong khóa học như bài trách nhiệm và vai trò của người cán bộ MT khi thực hiện đường lối của MT tại cơ sở. Trong khóa quân chính này, lãnh đạo MT cũng chuẩn bị cho khóa sinh về khái niệm một thời cơ Tổng Nổi Dậy của toàn dân trên cả nước, khi tình hình cho phép. Việc có thể cho ra đời một chính phủ kháng chiến tại quốc nội nhằm nâng cao uy tín của phong trào kháng chiến, mở rộng khả năng vận động ngoại giao trên trường quốc tế.

       Tôi còn nhớ chiến hữu Huỳnh Văn Tiến có đóng góp ý kiến trong lớp học về sự cần thiết hình thành một chính phủ kháng chiến trong quốc nội. Anh Huỳnh Văn Tiến, một thương binh sĩ quan cấp úy, từng phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù trước 1975. Anh và gia đình từ quê hương Trà Vinh đã tự tổ chức vượt biển thành công. Ra khơi, chiếc ghe của gia đình anh và bà con lối xóm được quốc tế vớt và đưa đến Đan Mạch định cư. Sau khi thu xếp cuộc sống riêng cho vợ con, vì lòng yêu nước Việt tha thiết, anh Tiến hy sinh cuộc sống đầm ấm nơi xứ người, trở về khu chiến công tác cho MT.

       Trong khóa học này cũng có cả chiến hữu Trương Ngọc Ny, cựu Thiếu Tá, anh Ny từng phục vụ trong binh chủng Dù và cũng từng vang danh trong binh chủng qua trận đánh đẩm máu lịch sử ở An Lộc - Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972. Sau biến cố làm tan rã nhanh chóng lực lượng quốc gia chống cộng ở miền Nam - 30/4/1975, anh Ny bị tù cải tạo mất nhiều năm trời. Ra tù cộng sản, anh Ny vượt biển đến trại tỵ nạn Sikhiu - Thái Lan và tham gia MT từ đây. 

       Trong khóa này, có một sự kiện mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ, đó là câu hỏi của chiến hữu Nguyễn Hữu Nhiều dành cho chiến hữu Chủ Tịch. Hôm đó trong lúc thảo luận về công tác lãnh đạo của MT, anh Nhiều bỗng giơ tay xin hỏi chiến hữu Chủ Tịch: MT có bao giờ chuẩn bị nhân vật nào thừa kế cho Chủ Tịch MT trong trường hợp vị lãnh đạo tổ chức quá vãng hay không? Vì ngồi ở đầu bàn, tôi thấy chiến hữu Chủ Tịch mặt hơi biến sắc, tuy nhiên sau đó, ông lại ôn tồn trả lời cho cả lớp, mặc dù không đi ngay vào câu hỏi của chiến hữu Nhiều.

       Vào cuối khóa, chiến hữu Chủ Tịch ra đề thi là mọi khóa sinh viết đệ trình lên lãnh đạo một kế hoạch hoạt động thực tế khi mỗi cá nhân kháng chiến quân được phân công về một địa phương tại nội địa công tác. Các yếu tố trong kế hoạch bao gồm, tình hình chung trong nước, tình hình chính trị tại địa phương, khả năng kềm kẹp dân chúng của chính quyền Cộng Sản tại địa phương, diễn biến tâm lý quần chúng, kế hoạch phát triển cơ sở kháng chiến, phát triển nhân sự, đào tạo cán bộ cho cơ sở. Theo chiến hữu Chủ Tịch, ngay khi ông chuẩn bị về khu chiến hoạt động, chính cá nhân ông cũng phải làm một đề tài tương tự như thế này.

       Bài thi do chính chiến hữu Chủ Tịch chấm và do chiến hữu Trần Khánh công bố kết quả trước toàn khóa học. Chiến hữu Lâm Vĩnh Thuận ngồi bên cạnh tôi được chấm Á Khoa, còn tôi được chấm Thủ Khoa của khóa Quân Chính II. Ngày bế giảng, trước khi các anh em ai nấy trở về công tác tại đơn vị mình, căn cứ 83 đã làm tiệc chiêu đãi các khóa sinh bằng buổi cơm thân mật có thịt gà rô ti, tôi nhớ trong buổi tiệc có sự tham dự của chiến hữu Hải Xăm, lúc đó đang công tác tại căn cứ 83.

Một lớp học chính trị
trong khu chiến Hoàng Cơ Minh
Ảnh nguồn: Hồi Ký Phạm Hoàng Tùng.

Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều
thời gian năm 1984 tại Trại Tỵ Nạn Dangred,
vùng biên giới Cam Bốt – Thái Lan.
Ảnh nguồn: Hồi Ký Phạm Hoàng Tùng.

Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều, Ông Là Ai?
Một Kháng Chiến Quân Và Cũng Là Vị Trí Thức
Đã Bị Định Đoạt Số Phận Như Thế Nào
Trong Khu Chiến Cách Mạng!?

       Tôi biết chiến hữu Nhiều qua khóa học Quân Chính, đây cũng là lần đầu và lần cuối gặp anh tại khu chiến. Sau khi thụ huấn xong khóa Quân Chính II, tôi trở về căn cứ 27 tiếp tục công tác tại đài Phát Thanh Việt Nam Kháng Chiến trong một thời gian ngắn nữa. Còn chiến hữu Nhiều trở về công tác y tế tại căn cứ 81 như trước đây. Bẵng đi một thời gian, chừng vài tháng sau, tin anh Nhiều bị MT tử hình tại căn cứ 81, có lẽ vì chống đối và định bỏ trốn, được khẩu truyền âm thầm trong mọi anh em kháng chiến quân ở khu chiến.

       Những tin tức xuất phát từ căn cứ 81, nơi có chiến hữu Nhiều đang công tác, đặc biệt là tin do các anh em trong toán công tác thi hành kỷ luật được tiết lộ thì thầm ra cho anh em kháng chiến quân, đã cho thấy nhiều tình tiết chung quanh vụ Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều bị xử bắn.

       Cái chết của ông Nhiều sau này cũng được báo chí Cộng Sản khai thác, nhắc đến như bằng chứng về chính sách “khắc nghiệt và tàn ác” của MT là tổ chức có số vụ thanh toán nội bộ cao bất thường, chưa từng có.

       Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều, theo những thông tin từ khu chiến thời đó, anh tốt nghiệp Bác Sĩ y khoa tại Sài Gòn trước năm 1974 và làm việc tại Bịnh Viện Nguyễn Văn Học tại tỉnh Gia Định thuộc khu vực Sài Gòn - Gia Định. Có thể anh Nhiều đã tham gia quân đội VNCH với cấp bậc Đại Úy Quân Y.

       Khoảng cuối năm 1984 đầu năm 1985, Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều cùng gia đình vượt biên đến trại tỵ nạn đường bộ sát biên giới Thái - Cambodia. Tại đây đại diện MT có những cuộc tiếp xúc với anh. Thường vào thời đó, tại trại tỵ nạn đường bộ hoặc đường biển, đại diện MT hay vào trại để tuyển mộ người đi theo kháng chiến, đây là cơ sở cung cấp nhân lực cho MT hầu như duy nhất vào thời điểm các năm 1980.

       Cũng theo tin ghi nhận từ MT tại khu chiến, Bác Sĩ Nhiều có đặt vấn đề với MT, nếu MT đồng ý giúp cho vợ con anh định cư tại hải ngoại, anh sẽ lên đường vào khu chiến. MT đồng ý việc này, không biết trong các cuộc nói chuyện có thêm những chi tiết gì hay không. Vì thói quen của lãnh đạo MT là bảo mật tuyệt đối, bất kể cả việc phải chôn sự thật vào lòng đất lạnh miên viễn, không muốn đối diện, đối thoại với lịch sử.  

       Từ lúc vào khu chiến, Bác Sĩ Nhiều được điều động tới căn cứ 81 công tác trong lĩnh vực y tế, trước đó cũng phải trải qua khóa học người kháng chiến quân Việt Nam, bình đẳng như các tân khóa sinh mới bước vào môi trường khu chiến. Có thể vì anh Nhiều là một Bác Sĩ dân sự mới tham gia đời sống khu chiến mang tính bất thường so với đời sống xã hội bình thường, một phần vì khi công tác tại trạm xá căn cứ 81, anh Nhiều có huấn luyện một ít kiến thức chuyên môn cùng một số thực hành căn bản cho các kháng chiến quân đang công tác như là y tá tại khu chiến nên anh Nhiều được cấp trên trọng dụng.

       Tại trạm (bịnh) xá căn cứ 81, có những kháng chiến quân đang điều trị bịnh sốt rét, cho nên khẩu phần dinh dưỡng cho khu vực này tương đối đặc biệt, so với những đơn vị khác hay các tiền đồn, căn cứ khác trong khu chiến, được tiếp tế rau cải tươi đều đặn, có phần thịt tươi hàng ngày hoặc hàng tuần, thêm ít bánh trái, đường cát trắng, sữa hộp, quà cáp.

       Riêng chiến hữu Nhiều được cung cấp cả thuốc thơm Samit, một loại thuốc lá nổi tiếng, mắc tiền ở đất Thái vào thời đó, một cách thường xuyên theo nhu cầu của anh.

Bệnh xá trong khu chiến.
Kháng chiến quân ngồi bó gối, đội nón
cạnh kháng chiến quân mặc áo dù, sọc
 là anh Nguyễn (Văn) Hữu Nam.
 Bên phải anh Nam là anh Nguyễn Văn Quang,
ngồi gần cửa bịnh xá.
 Cả hai là người ở cùng Trại Tỵ Nạn Sikhiu
với Phạm Hoàng Tùng
và cũng lên đường vào khu chiến
vào tháng 2/1984.
Các kháng chiến quân ngồi chờ
 trước bịnh xá để lãnh thuốc trị bịnh sốt rét rừng.
Đa số kháng chiến quân đều bị bịnh sốt rừng,
vì khí hậu độc hại trong rừng sâu núi thẳm.
 Thời gian giữa năm 1984 tại căn cứ 81.
Ảnh nguồn: Hồi Ký Phạm Hoàng Tùng.

       Theo nhiều kháng chiến quân công tác tại căn cứ 81, về sau này, anh Nhiều có vẻ bất mãn khi không được MT giao cho nhiệm vụ tương đương với chức vụ Ngoại Trưởng? Đây không biết là do những lời tâm tình của chiến hữu Nhiều với số chiến hữu gần gũi quanh mình, khi bị xúc động vì không được thỏa ý nguyện hay là lãnh đạo MT phao tin để gây tiếng xấu cho anh?

       Tuy nhiên có một điều rất rõ là sau một thời gian được trọng đãi đặc biệt lúc mới vào khu chiến, nay chiến hữu Nhiều đang bị “thất sủng”! Có một điều chưa rõ là do MT thất hứa với chiến hữu Nhiều khi đối chiếu lại với nội dung các câu chuyện trước đây đã được hai phía bàn thảo khi còn ở trại tỵ nạn, hay là tại chiến hữu Nhiều đòi hỏi quá đáng, so với khả năng đáp ứng của MT.

       Do tính tự cao tự đại, nông nổi của một trí thức, trong nơi chốn mà tìm kiếm được một trí thức có bằng cấp đại học chịu dấn thân là điều khá hiếm hoi, đã khiến cho lãnh đạo MT ngày càng khó chịu với anh và sau cùng phải chọn biện pháp xử lý trong quyền hạn - và cũng không ngoài thói quen - của MT thời đó.

       Không loại trừ, anh Nhiều có thể biết một ít bí mật quanh cái chết của chiến hữu Lê Hồng, vì lúc chiến hữu Tư Lịnh bị mắc bịnh sốt thất thường tại căn cứ 81, chiến hữu Nhiều đang làm công tác y tế.  

       Sau khi cơm không lành, canh không ngọt, chiến hữu Nguyễn Hữu Nhiều bị hạ tầng công tác. Anh không còn được làm việc tại trạm xá căn cứ 81 trong tư cách như là một Bác Sĩ chuyên nghiệp với nhiều phụ cấp ưu đãi mà ít ai có được. Căn cứ trưởng căn cứ 81 theo lịnh của Kháng Đoàn, sắp xếp chiến hữu Nhiều về làm công tác gác cửa hàng ngày ở vòng rào của căn cứ 81. Việc kỷ luật hạ tầng công tác, hay hoán chuyển vị trí làm việc như thế này, là không lạ gì trong khu chiến.

       Chính tôi cũng đã từng bị hạ tầng công tác khi có những lời nói hoặc bài viết đụng chạm tới cung cách của lãnh đạo MT, theo suy nghĩ chủ quan của người lãnh đạo.

       Cách điều phối nhân sự, thuật dụng nhân như thế của MT là để thử thách thêm ý chí theo đuổi cuộc đấu tranh của kháng chiến quân, vừa có tính cách huấn nhục người chiến hữu, nhất là vừa đo lường thêm sự trung thành (tiêu chuẩn đạo đức) của kháng chiến quân với MT.

       Từ khi bị hạ tầng công tác như là một người kháng chiến quân hàng ngày cầm cây súng carbin cũ mèm, ngồi gác ở các cửa ra vào khu vực 81, chiến hữu Nhiều lại càng sa sút tinh thần, sắc diện anh ngày một buồn chán, anh hay kêu than với đồng đội chung đơn vị.

       Có một sự kiện, chưa rõ đó là âm mưu cài người của MT để theo dõi lấy tin hay là sự trung thực khai báo của người kháng chiến quân ở sát cạnh anh Nhiều. Kháng chiến quân này còn rất trẻ độ 17 tuổi, được cử làm việc chung với anh Nhiều hàng ngày, đã mang câu chuyện của anh Nhiều tâm tình riêng với anh báo cho cấp trên. Theo chiến hữu này, chiến hữu Nhiều đã mang ý định trốn khỏi khu chiến ra hỏi ý kiến đồng thời rủ anh này cùng trốn để tìm cuộc sống khác. Khi nhận được báo cáo và có bằng chứng sống trong tay, lãnh đạo MT tại khu chiến quyết định thi hành kỷ kuật chiến hữu Nhiều.

       Theo khẩu truyền của anh em kháng chiến quân tại căn cứ 81, một hôm khi đang ngồi gác cổng như thường lệ, chiến hữu Nhiều được một toán công tác đến nói, có lịnh bảo anh phải đi công tác xa với toán này. Một người trong toán công tác thi hành kỷ luật này, có thể là chiến hữu Trần Văn Quốc. Anh Quốc người tỉnh Sông Bé(Bình Phước hiện nay), thuở nhỏ từng làm giao liên cho Việt Cộng, sau này anh bỏ đảng và vượt biên qua Thái, sau đó tham gia MT. Anh Quốc gan dạ, khỏe mạnh, chấp hành kỷ luật tốt, giỏi nghề đi rừng và bẫy thú rừng.

       Toán này đi càng ngày càng tiến vào sâu trong rừng rậm, đến một chỗ thấy có một cái hố đã đào sẳn, chiến hữu Nhiều mới được chiến hữu toán trưởng thông báo cho biết là MT đã quyết định tử hình anh. Và trước khi thi hành lịnh, người toán trưởng mời anh hút một điếu thuốc cuối cùng.

       Khi biết tin như vậy, chiến hữu Nhiều đã quì xuống khóc than, van xin các kháng chiến quân đang nhận nhiệm vụ đừng bắn anh.

       Nhưng lịnh phải được thi hành tuyệt đối, bởi vì 3 kháng chiến quân trong toán hành quyết là 3 chiến hữu đã được MT chọn lựa kỹ càng để làm công tác này. Nếu có một anh vì lòng nhân từ muốn tha chết chiến hữu Nhiều và bảo anh trốn vào rừng sâu tìm sinh lộ, thì hai anh kia sẽ không chịu, hoặc về báo cáo lại, thì chắn chắn chiến hữu có lòng nhân từ này có một định mệnh tồi tệ như anh Nhiều. Còn nếu trông mong cả 3 kháng chiến quân thuộc toán hành quyết đều có lòng thương người cả thì rất khó xảy ra.

       Trong khu chiến có hai cách hành hình những người yêu nước, những người đã rời khỏi gia đình, lên đường dấn thân vì lý tưởng tự do, theo lời kêu gọi của Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh.

       Một là, kháng chiến quân (bị Mặt Trận Hoàng Cơ Minh coi là tội nhân) bị trói vào cây cột ở góc rừng, hai tay kháng chiến quân bị trói quặt ra sau, mắt bị bịt kín. Phía sau kháng chiến quân là một hố chôn người được đào sẳn trước đó một ngày, đất còn tươi rói.

       Phía trước kháng chiến quân bị hành hình là một đội hành quyết gồm 6 người cũng toàn là chiến hữu của anh ta.

       Mỗi toán viên trong đội hành quyết, trong tư thế quì xuống, súng hướng về phía trước, nhắm bắn chiến hữu mình bị coi là tội nhân trong khu chiến. Và mỗi toán viên được lịnh phải bắn 3 phát đạn, số phát đạn mà kháng chiến quân bị bắn là 18 viên đạn.

       Chưa hết, một kháng chiến quân được giao nhiệm vụ làm toán trưởng toán hành hình sẽ đến gần nạn nhân và kê nòng súng ngắn bắn phát đạn gọi là sau cùng để cho chiến hữu mình còn hấp hối những giây phút cuối của đời người hay là đã chết, phải chết luôn. Tổng cộng là 19 viên đạn khi tử hình một kháng chiến quân………

       Phạm Hoàng Tùng đã một lần nhận lịnh của MT là phải đi chung với hơn 10 kháng chiến quân học cùng khóa để chứng kiến cảnh hành hình kiểu này tại góc rừng thuộc căn cứ 81. Mục đích cho các kháng chiến quân khác chứng kiến tận mắt cuộc hành hình nhằm gây tâm lý nể sợ và phải tuân phục MT một cách tuyệt đối.

       Cách hành hình thứ hai là một toán 3 người mang nạn nhân vào rừng sâu xử bắn âm thầm như trường hợp của Bác Sĩ Nhiều. Địa điểm nơi đây cũng không xa căn cứ và được chọn lựa trước mấy ngày, hố chôn người cũng được đào sẳn, khi bắn nạn nhân xong, đẩy xuống hố chôn, xóa dấu tích, và rồi toán hành quyết trở về căn cứ báo cáo đã hoàn thành “nhiệm vụ” khai tử chiến hữu mình. Mọi sự sắp xếp như thế này đều có sự phê duyệt chung cuộc bởi ông Hoàng Cơ Minh, Chủ Tịch Mặt Trận. Trong khu chiến ông Hoàng Cơ Minh là người lãnh đạo cao nhất, tuyệt đối, toàn diện. 

      Bác sĩ Nguyễn Hữu Nhiều, người trí thức trẻ chưa quá 40 tuổi, vị Bác Sĩ duy nhất vào sống trong khu chiến, đã nằm xuống mãi mãi trong cái huyệt được đào vội vã giữa rừng sâu như thế, chỉ vì có những bất đồng với lãnh đạo MT về quan điểm nội bộ mà xem ra có thể giải quyết được bằng thảo luận dân chủ.

       Nhưng theo nhiều người trong MT, thời đó, trong khu chiến, khó có thể thực hiện các sinh hoạt dân chủ vì cần bảo mật địa điểm và nhiều điều khác nữa? Hành động này khiến tôi lại nhớ đến câu nói của chiến hữu Nguyễn Huy, Kháng Đoàn Trưởng, là khu chiến không có nhà tù!!!

       Anh Huy tên thật là Nguyễn Trọng Hùng, người từ tiểu bang Hawaii - Hoa Kỳ, về khu chiến, anh có bộ râu mép duyên dáng, dáng người thấp gọn, từng là sĩ quan tình báo tại Quân Khu II. Từ khu chiến anh Huy có đi theo chiến hữu Chủ Tịch đến Hoa Kỳ tham dự Đại Hội Chính Nghĩa năm 1983 và cuối tháng 12/1984 để tổ chức đại hội ở San Jose, Bắc Cali chính thức khai trừ Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hải Ngoại là ông Phạm Văn Liễu, hầu hết Ủy Viên Ban Chấp Hành và luôn cả Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến do cụ Phạm Ngọc Lũy làm Chủ Tịch...gây chấn động dư luận.

Cổng Trại Tỵ Nạn Dangred
Sát biên giới Cam Bốt – Thái Lan.
Đây là nơi Bác Sĩ Nhiều trú ngụ cùng gia đình
sau khi vượt biên khỏi Việt Nam để tìm tự do.
Sau 30/4/1975, Cao Ủy Liên Hiệp Quốc
lập trại tỵ nạn đường bộ để đón nhận
người Việt Nam trốn khỏi nước
 bằng cách đi qua Cam Bốt và đến Thái.
Còn Trại tỵ nạn đường biển ở sâu trong đất Thái
để đón nhận những người Việt tỵ nạn
vượt biển bằng ghe, thuyền, tàu.
Ảnh nguồn: Trại Tỵ Nạn Dangred.

Báo trong nước loan tin cái chết
 của Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều
với bản án tìm thấy trong túi xách
của Trần Thiện Khải.
Trần Thiện Khải hay Trần Khánh
là nhạc sĩ khu chiến,
một cựu sĩ quan cấp Úy của Hải Quân VNCH,
ông Khải cũng là cánh tay mặt của
ông Hoàng Cơ Minh.
Nguồn: Hồi Ký Phạm Hoàng Tùng.


Cho Người Vào Cuộc Chiến.
Nguồn: Youtube.

Phạm Hoàng Tùng.





Nhật Ký Tỵ Nạn (phần trích)

SIKHIU: 1.887 NGÀY UẤT NGHẸN
  

Trại tỵ nạn Sikhiu đầu thập niên 1980.
                        
       LNĐ: HTNĐCN xuất hiện thôi thúc phần: NHẬT KÝ TỴ NẠN trình làng trước dự định. Trích từ bản thảo bút ký: MỘT ĐỜI CÚI MẶT của tác giả viết từ 30.4.1975 vẫn còn ngủ quên …

       Tác giả Sa Chi Lệ (năm 2007).

       HTNĐCN của Phạm Hoàng Tùng: một bằng chứng, nhân chứng, nạn nhân của một vụ án hiếp dâm lịch sử.

       Trịnh Văn Hợi: Đại úy QL/VNCH, TB/ĐD CỘNG ĐỒNG VIỆT SIKHIU nói gì trước khi vào MẶT TRẬN TỰ SÁT?

       Góp một viên gạch xây: VĂN KHỐ THUYẾN NHÂN VN
                                                        
       Thiên bất dung nhan, oan nghiệt còn sống. Quả báo nhãn tiền. Chạy trời không khỏi nắng. 900 trang sách của PHẠM HOÀNG TÙNG như một quan tòa khắc nghiệt nhất đã nện xuống bàn quyết nghị phiên chung thẩm: TỬ HÌNH! Hơn 15 năm qua, biết bao bút mực nguyền rủa MT/HCM & VT như những đóm lửa rời rạc trong đêm đen hải ngoại, chực chờ chụp mũ nhau, phang nhau toàn ngôn từ dơ bẩn nhất.

       Trên Nam Úc tuần báo số 564, ông Hoàng Cơ Long chỉ trích những khuyết điểm, sai sót, hoang tưởng trong hồi ký của PHT. Thiết nghĩ, dù thế nào đi nữa, áo mặc sao qua khỏi đầu? PHT vào chiến khu, tham gia chiến dịch Đông Tiến 2, bị bắt, ở tù, lãnh án, vượt thoát, là sự thật. Hơn nữa, anh ta thuật lại với giọng ôn tồn, không thù hận, oán ghét. Đấy là một điểm son hiếm có của người trong cuộc.

       Rồi 30 năm sau …CĐNVHN thuộc cháu chắt chúng ta cúi đầu truy niệm một trang sử mà nước mắt biến thành KIMCƯƠNG - DAOGĂM VÀ TÊN HỀ …

       27 - 4 – 1983 : Mặt trời đỏ thẳm phía chân trời, đang thoi thóp trên vịnh Thailand.

       Hoàng hôn như cô gái ươm mơ bẽn lẽn sau rèm, thì thầm với ánh nắng chiều còn sót lại. Đêm xuống thật nhanh. Tôi nắm chặt thành lan can tầng nhì của giàn khoan dầu Panama giữa biển khơi, mắt đăm chiêu hướng về Việt Nam. Gió thỉnh thoảng thổi mạnh, làm những đợt sóng có vẻ giận dữ, mỗi khi lướt qua các cột giàn khoan như chênh vênh mong manh. Bất giác, tôi rùng mình nhớ lại mình vừa diễn xong một màn xiếc 3 ngày 2 đêm đi trên dây tử thần đến bến bờ tự do như một phép lạ. Cái chết đe dọa thường trực mà lại tức cười. Nghe kể chắc ai cũng nghĩ, người viết rất mê tín dị đoan…

       Chúng tôi, 24 người trên chiếc ghe tam bản không mui, 8m50. Xuất phát từ cửa VÀM RĂNG, Sóc Xoài thuộc Hòn Đất Rạch Giá. Không la bàn, không bản đồ, anh tài công nghiệp dư, cho chạy 2 máy cùng một lúc: 1 máy xăng BS9, 1 máy dầu Nhật cổ lổ sỉ, nên ghe phóng khá nhanh. Chạy trốn quỉ dữ…

       30 - 6 – 1983: Đoàn xe bus đưa người chuyển trại đến rất sớm bởi đường lên Sikiew quá xa. Chặng Songkhla – Bangkok: 950km. Bangkok – Sikiew: 400km.

       Đối với hầu hết người Việt, đươc ngồi trên xe bus “sang trọng” của Thái, cảm thấy đời lên hương từ đây…quên hết mọi chuyện, thưởng thức cảm giác lâng lâng khó tả trong hồn. Khoái trá xem phim tàu, màn ảnh video nhỏ…Chẳng bao lâu sau, đường vào Sikiew “có trăm lần thương, cả vạn lần sầu cũng đến”.

       Chập choạng tối, nhiều đồng bào “đón” chúng tôi nhập trại sau hàng rào kẽm gai cao. Nỗi hào hứng biến mất, âu lo tương lai bắt đầu xuất hiện…5, 6 người nhóm ghe tôi được phân ở B7 thuộc khu B.

       Xin nói sơ một chút về địa hình: Nhiều đồi núi bao quanh trại tỵ nạn Sikhiu.

       Trại cách ly bên ngoài bằng hàng rào kẽm gai, vách tôn cao hơn 2m. Trước đây là trại tù giam giữ người Việt nhập cảnh Thái bất hơp pháp. Vẫn giữ nguyên trạng, chỉ thay bảng cổng trại và giấy tờ: Refugee Camp! Vào thời điểm này, có hơn 8.000 người chen chúc ở trong 21 buildings, chia 3 khu: A B C. Riêng khu B tách rời bởi con đường cổng chính dẫn đến văn phòng trại trưởng.

                  KHU A: 10 buildings. C: 7 buildings.

       KHU B: 4 buildings gồm B7, B8, B9, B10.

       Mỗi B sức chứa tối đa 300 “tù”. Đầu năm 1984, trại vượt quá tải hơn 10.000 người.

       Giáp với khu B, bên ngoài là nhà giam tù chính trị Thái.

       Ngay cổng vào Khu B, bên phải là Trung Tâm Phỏng Vấn (processing center). Cái tên có vẻ rôm rả, trang trọng nếu chỉ hình dung. Thực tế, nó thật là nghèo nàn: 4 dãy nhà tranh bằng tre và tầm vông, cất theo hình chữ U có nấp, chừa cửa. Một vườn hoa nhỏ sát TTPV. Có một lều hóng mát với bàn ghế, Ban Trật Tự Khu B, thỉnh thoảng dùng để làm việc và mỗi sáng Ban Phát Thanh Cộng Đồng thu bài ở đây. Vườn rau “tư nhân” nằm phía sau vườn hoa, tiếp cận B7 đơn độc, cửa nhìn ra sân banh trước mặt cùng 3B kia: B8, 9, 10.

       Nhiều người khu B rất ngại qua khu A, C vì phải đi ngang văn phòng trại trưởng đồng bào thường gọi ông là hung thần. Văn phòng đại diện cao ủy tỵ nạn khiêm nhường liền vách.

Một đồng bào chụp hình lưu niệm
ngay cổng TTPV vừa được phái đoàn Mỹ
chấp nhận năm 1984.

Hai trong 3 người là KCQ/MTHCM
 đứng trên mỏm đá trước nhà trật tự khu B
 cách đây 23 năm,
hy sinh tương lai rực rỡ vào chiến khu …
Phạm Hoàng Tùng đứng bên trái, cuối năm 1983.
      
Sơ đồ Trại Tỵ Nạn Sikhiu.
    ………
    …..
      Tác giả Sa Chi Lệ vào cuối năm 1983 là người bạn ở cùng Trại Tỵ Nạn Sikhiu bên Khu B với Phạm Hoàng Tùng. Ông hiện định cư tại Canada.





MỞ LẠI VÀ CHUNG QUYẾT
TẬP HỒ SƠ HÌNH SỰ
30 NĂM TRƯỚC ĐÂY

Vụ Án Biển Thủ Tham Nhũng Đặc Biệt Lớn Nhất
Trong Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại

Những Đầu Đảng Việt Tân



       1/ Cơ cấu gia đình trị

       Ông Hoàng Cơ Minh sinh năm 1935 tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà đông, nay là huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ông cùng gia đình di cư vào Nam thời kỳ năm 1954 khi đất nước bị chia đôi. Trước 30/4/1975, ông giữ chức vụ Phó Đề Đốc Hải Quân (Chuẩn Tướng, Tướng Một Sao) của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

       Thời điểm 30/4/1975, ông Minh di tản ra hải ngoại và sống lưu vong ở Mỹ. Năm 1980, ông Minh là một trong 3 người sáng lập ra Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, thường gọi là Mặt Trận Hoàng Cơ Minh.

       Năm 1981, khu chiến Hoàng Cơ Minh bắt đầu được thành lập tại vùng rừng núi biên giới Thái-Lào. Năm 1985, Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng tức Đảng Việt Tân được khai sinh và phát triển trong khu chiến. Ông Hoàng Cơ Minh là Chủ Tịch thành lập đảng.

       Cuối tháng 8/1987, ông Hoàng Cơ Minh bị thương ở cánh tay và tự sát tại Nam Lào, khi trên đường xâm nhập Việt Nam trong Chiến Dịch Đông Tiến Hai lần 2, vào lúc hầu như toàn bộ lực lượng kháng chiến quân di hành cùng với ông Minh đã bị tiêu diệt, do tin tức Chiến Dịch Đông Tiến bị tình báo Cộng Sản gài đặt trong thượng tầng Mặt Trận ở Hoa Kỳ báo cáo cho chế độ Hà Nội.

       Ông Hoàng Cơ Định có văn bằng Tiến Sĩ hóa học tại Pháp, và là em trai của ông Hoàng Cơ Minh.

       Trước ngày 30/4/1975, ông Định có thời gian làm Giáo Sư ở thủ đô Sài Gòn. Lúc thủ đô Sài Gòn sắp lọt vào tay Cộng Sản, Hoàng Cơ Định nhanh chân bỏ chạy trốn ra nước ngoài, sau định cư Hoa Kỳ.

       Thời điểm đầu những năm 1980, ông Định có chân trong Tổng Vụ Hải Ngoại của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, và được giao làm người quản trị tài chính của Mặt Trận.

       Tài chính của Mặt Trận lúc đầu có được là do sự tự nguyện đóng góp của đồng bào hải ngoại vì đại cuộc giải thể chế độ Cộng sản độc tài.

       Sau khi ông Minh chết, và Mặt Trận bị giải thể, rồi Đảng Việt Tân chính thức thay thế vai trò của Mặt Trận, Hoàng Cơ Định là người nắm tiền và điều hành hoạt động của Đảng Việt Tân cho đến tận giờ này, dù không ra mặt.

       Hoàng Tứ Duy hiện thời là người phát ngôn của Đảng Việt Tân. Duy là con trai của Hoàng Cơ Định.

       Đỗ Hoàng Điềm hiện nay là Chủ Tịch Đảng Việt Tân. Cha của Điềm là ông Đỗ Thúc Vịnh, và Mẹ của Điềm là bà Hoàng Thị An, chị ruột của ông Hoàng Cơ Long, ông Hoàng Cơ Minh, và Hoàng Cơ Định.

       Ba nhân vật hàng đầu của Việt Tân hiện nay có quan hệ huyết thống họ hàng ruột thịt với nhau. Đây là một cơ cấu gia đình trị trong một đảng tự đề ra mục tiêu “canh tân”. Chắc chắn không thể canh tân tổ chức, canh tân cộng đồng, khi những người đầu đảng là anh em, cha con, cậu cháu ruột thịt với nhau.

       Đây là một cơ cấu khép kín để truyền tử lưu tôn, không khác gì chế độ cha truyền con nối, không dân chủ, tại Bắc Triều Tiên.

       Những đảng viên Việt Tân biết rõ điều này nhưng vẫn chấp nhận hoạt động dưới quyền gia đình Hoàng Cơ, ngậm miệng ăn tiền, vì thế đồng bào trong nước không nên tin ở miệng họ nói về canh tân xã hội hay dân chủ, tự do.    

       Bởi vì một điều hiển nhiên rằng, trước khi canh tân cộng đồng, canh tân xã hội, canh tân quốc gia thì Việt Tân phải canh tân chính bản thân họ, phải canh tân nội bộ Việt Tân trước nhất. Tuy nhiên sự canh tân phải được khởi động đầu tiên và rất cần thiết này đã không xảy ra trong 30 năm qua. Thời gian quá dài, quá lâu và cũng quá đủ rồi để khẳng định năng lực canh tân rất yếu kém của Việt Tân. Nếu không muốn nói là Hoàng Cơ Định không canh tân, canh cải gì cả. Không khác gì Cộng Sản sửa đổi hiến pháp năm 2013. Khỉ đột dù cho mặc áo gấm, làm xiếc giỏi thì cũng là khỉ đột mà thôi!   

       2/ Hồ sơ vụ án biển thủ tham nhũng đặc biệt lớn nhất tại hải ngoại

       Khi Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (Mặt Trận Hoàng Cơ Minh/MT) được thành lập năm 1980 trong bối cảnh lịch sử Miền Nam Việt Nam bị Cộng Sản cưỡng chiếm đã được 5 năm.

       Những người Việt vượt biên, vượt biển chạy thoát ra ngoài để tìm kiếm tự do, dù mới định cư hay tạm dung trên đất người, vẫn canh cánh bên lòng nỗi nhớ quê hương và rất mong muốn Việt Nam mau sớm thoát khỏi gông cùm Cộng Sản.

       Chính vì mong muốn chính đáng này, nên đại đa số đồng bào ta ở hải ngoại đều bày tỏ sự ủng hộ Mặt Trận.

       Mặt Trận được thành lập từ cộng đồng người Việt hải ngoại nên tổ chức quyên góp tài chính từ cộng đồng để có ngân quỹ hoạt động. Và đồng bào hải ngoại sẳn sàng đóng góp cho chính nghĩa đấu tranh giải thể chế độ Cộng Sản độc tài tại Việt Nam.

       Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến được thành lập để kêu gọi đồng bào hải ngoại từ Mỹ, Úc, Châu Âu, Châu Á đóng góp tiền bạc cho Mặt Trận Hoàng Cơ Minh.

       Nhưng ngay từ đầu, sự gian trá, ý đồ bất chính đã trổi dậy trong lòng kẻ gian tham, lợi dụng tinh thần nhiệt tình yêu nước của người Việt để mưu lợi riêng cho cá nhân và gia đình họ.      

       Cũng ngay từ đầu, những người lãnh đạo Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến đã không cẩn thận, kiên quyết, và nỗ lực cho lập ra một cơ quan độc lập để kiểm tra hoạt động quyên góp tiền của đồng bào với danh xưng Liên Hiệp Giám Sát Quĩ Đóng Góp Tài Chánh

       Thành phần nhân sự của cơ quan thanh tra này bao gồm người của MT và trong cộng đồng, đặc biệt không bị ảnh hưởng bởi quyết định của cá nhân người cầm đầu MT là ông Hoàng Cơ Minh, nhằm bảo đảm sự thu chi công bằng, minh bạch vì việc chung.

       Công vụ của cơ quan này là thực hiện định kỳ việc kiểm soát các biên nhận thu chi, theo dõi và khi cần thiết điều tra tài khoản ngân hàng, hoạt động thu chi của các nhân vật lãnh đạo MT, đề ra quy tắc quan trọng hàng đầu là không cho phép lãnh đạo MT mang con em, thân thích vào đảm nhiệm các chức vụ tài chính như trường hợp Hoàng Cơ Định là em ruột của ông Hoàng Cơ Minh thì không được giữ tiền của đồng bào để phòng ngừa tham nhũng, và thống kê số lượng tiền do đồng bào khắp thế giới gởi về Hoa Kỳ đóng góp.

       Nếu những người lãnh đạo Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến không chú ý đến điều này thì những người thành lập Mặt Trận và nhiều thành viên trong Tổng Vụ Hải Ngoại của Mặt Trận cũng phải chú ý đến sự giám sát nguồn tài chính thu vào, chi ra, vì nó nói lên hành động minh bạch, liêm chính của MT ngay từ lúc khởi đầu đại cuộc.

       Và cá nhân ông Hoàng Cơ Minh, người được nổi danh ở Miền Nam trước ngày 30/4/1975 là một viên Tướng sạch, không tham nhũng, cũng đã “không chú ý” đến việc phải thành lập nghiêm chỉnh một Liên Hiệp Giám Sát Quĩ Đóng Góp Tài Chính.

       Hơn 30 năm sau sự kiện không tốt đẹp về vụ tai tiếng đen ngòm do biển thủ tiền bạc, khi duyệt xét lại biến cố này, cá nhân chúng tôi thấy rằng những người lãnh đạo MT, và Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến đều phải gánh một phần trách nhiệm trong việc để thất thoát số lượng tiền rất lớn từ 10 đến 20 triệu Mỹ Kim, thời gian vào năm 1984.

       Phạm vi trách nhiệm của những người lãnh đạo Phong Trào Quốc Gia Yểm Trợ Kháng Chiến và các thành viên lãnh đạo MT, không phải là người trong dòng họ Hoàng Cơ, là đã không cố gắng thực hiện công việc kiểm tra tài chính chặt chẽ, chứ không phải biển thủ hay tham nhũng.

       Nhưng dù không cố tình thì cũng đã vô tình gián tiếp tạo cơ hội quá tốt cho kẻ gian gặm nhấm, đục khoét của công.

       Và rõ ràng những người chịu trách nhiệm cao nhất trước cộng đồng và trước lịch sử đấu tranh ở hải ngoại là ông Hoàng Cơ Minh và em ông là Hoàng Cơ Định.

      Đầu những năm 1980, thất bại tủi nhục về việc mất Miền Nam vào tay Cộng Sản Bắc Việt vẫn còn tươi rói. Nó như vết thương do bị chém ngang mình vẫn còn rỉ máu đỏ thẩm trong lòng người dân Việt.

      Là Phó Đề Đốc Hải Quân, ông Minh biết rất rõ các tệ nạn biển thủ, tham nhũng trong quân đội, trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, vì những tệ nạn đó cũng đã góp phần vào sự suy sụp của chế độ Miền Nam trước sự phá hoại, tấn công ngày đêm rất tàn bạo của của Cộng Sản Bắc Việt.

       Trước 30/4/1975, khi hàng trăm ngàn chiến sĩ Cộng Hòa đang nằm sương gối gió ngoài mặt trận ác liệt vang rền đạn quân Cộng thù thì tại hậu phương, có những viên Tướng, có những dân biểu, có những quan chức chính quyền, những  Giáo Sư tốt nghiệp Tiến Sĩ ở nước ngoài vẫn cố tình cắm đầu ăn cắp công quỹ, vẫn ăn cắp đồ viện trợ của Mỹ để bán, ngay cả đã bán hàng viện trợ cho Cộng Sản, để kiếm tiền làm giàu bằng mọi cách, và cung phụng nhu cầu cuộc sống cá nhân, gia đình họ.

       Đây là hành động đâm sau lưng chiến sĩ Cộng Hòa.

       Và khi địch quân sắp tràn vào sài Gòn, nhiều vị Tướng, Giáo Sư đã đào ngũ bỏ nhiệm sở, nhanh chân tháo chạy khỏi quê hương để kiếm đường thoát thân, bỏ lại sau lưng gần triệu người lính nghèo khổ, cô đơn trước ánh mắt ghẻ lạnh của quân Cộng thù.      

       Bài học đau xót, xương máu đó, người Việt di tản, vượt biên, vượt biển, làm sao quên được.

       Vậy mà khi ông Hoàng Cơ Minh đứng ra lãnh đạo MT lại cố tình giao cho em mình là Hoàng Cơ Định nắm tài chính MT, và không lập ra Liên Hiệp Giám Sát Quĩ Đóng Góp Tài Chính.

       Ông Minh đã tự đánh mất thanh danh Tướng sạch từ hành động tham quyền, tham tiền, ngay vào lúc đó. Chỉ vì ông Minh muốn nắm nguồn tài chính để lạm quyền và khuynh loát tất cả hoạt động của MT. Ông Minh không tin ai bằng em ông, dù rằng trong hàng ngũ MT có rất nhiều người yêu nước, có khả năng, có đạo đức hơn Hoàng Cơ Định rất nhiều lần. Ý định này nhằm củng cố cơ cấu độc tài trong MT mà gia đình Hoàng Cơ của ông Minh đóng vai trò trung tâm.

       Rất là đáng tiếc, trong giai đoạn lịch sử rất cần sự minh bạch để huy động tài năng, tài nguyên cho lý tưởng đại cuộc thì ông Minh, Hoàng Cơ Định đã có tà ý tranh đoạt quyền lực, gian tham của đồng bào hải ngoại ngay từ những ngày đầu.

       Rõ ràng chính hai anh em ông Hoàng Cơ Minh, Hoàng Cơ Định đã làm suy yếu đại cuộc đấu tranh giải thể chế độ Cộng Sản độc tài do quá coi trọng cá nhân và gia đình họ. Và rõ ràng ông Minh, Hoàng Cơ Định đã đi theo bước chân của thành phần đâm sau lưng chiến sĩ trước đây, bây giờ là đâm lưng kháng chiến quân, chỉ vì đầu óc ham danh, tham lợi.

       3/ Cần lập Cơ Quan Liêm Chính Thu Hồi Quĩ Đóng Góp Tài Chính Yểm Trợ Kháng Chiến (đòi nợ Hoàng Cơ Định và Việt Tân)

       Vay thì phải trả. Lấy thì phải hoàn lại. Cướp của giết người thì phải bị trừng phạt để làm gương cho xã hội thấy đó mà tránh, đừng có nhúng tay vào tội ác bất nhân. Luật đời hay luật pháp đều công bình.

       Nếu 30 năm qua, cộng đồng người Việt ở hải ngoại vì lý do này hay lý do khác không thực hiện được công việc thu hồi lại số tiền khổng lồ mà cộng đồng khắp nơi đóng góp cho MT, nhưng bị Hoàng Cơ Định biển thủ, thì thế hệ trẻ Việt hải ngoại phải có trách nhiệm tiến hành việc thu hồi trong tương lai. Đây là công việc vì trách nhiệm, vì lương tâm.

       Số lượng tiền hiện nay theo nhiều người Việt hải ngoại phỏng đoán là trên 100 triệu Mỹ Kim. Hoàng Cơ Định đã dùng số tiền của đồng bào đóng góp vào giữa thập niên 1980 là khoảng 20 triệu Mỹ Kim để kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, và nhiều nơi trên thế giới.

       Sự phỏng đoán của đồng bào là điều đương nhiên phải xảy ra, vì ngay từ đầu Hoàng Cơ Định mượn danh kháng chiến, Mặt Trận để thu tiền đồng hương mà không công bố minh bạch.

       Số lượng tiền khổng lồ được thu vào vì công cuộc chung, nhưng lại nằm trong tài khoản ngân hàng của một cá nhân, gia đình người cầm đầu, và lại không công khai nguồn thu chi, không có bất cứ giấy tờ, tài liệu cụ thể chứng minh thì làm sao công luận biết được việc chi thu đó nhằm mục đích gì, cho ai, bao nhiêu. Tất cả là do sự gian tham mà ra. Muốn biến của công thành của riêng tư. Một hành vi chiếm đoạt có tính toán không lương thiện. Một hình thức kinh doanh chính trị. Đây cũng được coi là một loại tội phạm hình sự xét theo luật pháp xã hội hiện đại.

       Số tiền thu hồi lại sẽ được sử dụng cho việc công ích của cộng đồng như xây tượng đài chiến sĩ Cộng Hòa, tượng đài thuyền nhân, lập quỹ ủng hộ những người hoạt động vì phong trào đòi nhân quyền-dân chủ-tự do tại Việt Nam, giúp đỡ nạn nhân bão lụt ở Việt Nam, tương trợ những sinh viên, học sinh có chí học hành nhưng gia đình thiếu tiền cho ăn học… tất cả phải dưới sự giám sát của một ủy ban được cộng đồng chọn lựa do uy tín cá nhân, do đạo đức chưa bao giờ bị mang tiếng là ăn cắp công quỹ, thâm lạm tiền của đồng hương, đồng bào….

       4/ Lời kết

       Có kháng chiến quân còn sống sót sau khi ra tù vẫn tiếp tục cuộc chiến vì chính nghĩa tự do cho dân tộc. Vũ khí của họ giờ đây là cây viết, keyboard, computer trong thời đại internet. Kẻ thù của những kháng chiến quân này là giặc Cộng, là chế độ độc tài toàn trị đang giết chết tư tưởng tự do và các hoạt động đòi dân chủ tại Việt Nam.

       Chưa đủ, kẻ thù còn là cái ác, những kẻ núp dưới lớp áo quốc gia, dân tộc, canh tân, nhưng lại ôm trong mình đầy đô la. Vì đô la nên họ đã phản bội lý tưởng tự do, dân chủ, nối giáo cho giặc. Vì thế cuộc chiến diệt ác, chấn hưng cái thiện vẫn tiếp tục.  

       Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay đang băng hoại, tan rã dần dần vì thói tính gian trá, hung bạo, độc đoán, chuyên quyền của họ từ lúc khởi đầu vào những năm 1945 khi Hồ Chí Minh giết người yêu nước bằng những thủ đoạn sâu độc, và bằng phương pháp dã man, chỉ vì Hồ muốn ở vị trí tột đỉnh quyền bính, dù phải làm tay sai cho ngoại bang.

       Hiện giờ để duy trì địa vị ngồi trên đầu quốc dân, thế hệ Cộng Sản con cháu của Hồ chỉ còn duy nhất một phương cách cai trị là trấn áp mạnh bạo. Đó chỉ là hạ sách của một chính quyền cùng đường rồi làm càn, không còn đầu óc tỉnh táo biết phân biệt phải, trái của con người bình thường, chỉ vì sự ham muốn quyền lực đến độ mê loạn.

       Hoàng Cơ Định trong hơn 30 năm qua ở hải ngoại cũng đã chứng tỏ cho cộng đồng người Việt thấy rằng Định là một con người bảo thủ, cứng đầu, không biết nghe lời nói phải.

       Việt Tân rồi cũng đi vào con đường bế tắc, không có lối thoát khi một quá khứ nặng nề của họ luôn bị cộng đồng phê phán, xa lánh, dù cho họ cố bày mưu lập kế dựng ra tổ chức này, hội đoàn nọ trong nước để lấy vải thưa che mắt thánh (công chúng).
      
       Thế hệ trẻ Việt Nam trong nước bây giờ và sau này hãy lấy đây làm bài học nghiêm khắc để răn mình. Khi làm chính trị phải có đầu óc một công dân lương thiện, phải thật sự yêu nước, yêu dân tộc mình, đừng vì phe đảng, đừng vì háo danh, tham lợi.

       Khi làm chính trị mà biết đặt cá nhân mình bên dưới quyền lợi tổ quốc, luôn coi quốc dân là quý trọng tối thượng, yêu nước Việt bằng tấm lòng chân thành cho đến cuối đời người, thì chúng ta mới được công chúng thương yêu, kính nể. Bằng không thì cũng như bèo dạt, lục bình trôi, không ai luyến tiếc, nhớ thương, nhưng lại còn bị bia miệng, bia đời, lịch sử nguyền rủa không tiếc lời vì đã phá nước hại dân.

Phạm Hoàng Tùng nghĩ về tháng Hai/2014 kỷ niệm đúng 30 năm ngày rời Trại Tỵ Nạn Sikhiu – Thái Lan để lên đường vào khu chiến Hoàng Cơ Minh vì lòng yêu nước của một thanh niên Việt Nam nhiệt huyết.

PHẠM HOÀNG TÙNG.



Đài Phát Thanh Chân Trời Mới,
Đài Tiếng Nước Tôi
 Là Của Việt Tân.

Khối 8406 Là Của Việt Tân.

       Xin mời quý bạn đọc theo dõi phần trích từ bài viết “Đảng Việt Tân tung tin giả về biểu tình tại Việt Nam” của một cư dân Việt tại Úc Châu, ông Trần Trung Thành, liên quan đến khối 8406:

       Tại Úc Châu, tất cả các ban chấp hành cộng đồng người Việt Tự Do đều nằm trong tay đảng Việt Tân, đây là nguy cơ của hơn 200 ngàn người Việt ở Úc Châu, đang bị một thiểu số lãnh đạo, lèo lái theo những hoạch định của đảng. Nếu Việt Tân là một đảng phái quốc gia, yêu nước, thì việc họ nắm tổ chức cộng đồng là điều có lợi. Tuy nhiên, lập trường của họ rất đáng quan ngại, nếu là tổ chức chống Cộng thật sự, hay bất kỳ cá nhân tỵ nạn CS nào, cùng không bao giờ công nhận Hồ Chí Minh là yêu nước và không chấp nhận đứng chung hàng ngũ với đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhưng đảng Việt Tân công nhận những điều mà người tỵ nạn chống lại. 

       Riêng tại tiểu bang Victoria, thủ phủ Melbourne, cầm đầu tổ chức 8406 tại nơi nầy là Ông Nguyễn Quang Duy…

       Ông Nguyễn Quang Duy, là một người trẻ, thành viên Mặt Trận và sau nầy là Việt Tân, lãnh đạo khối 8406, một tổ chức do đảng Việt Tân dàn dựng. Tuy nhiên, ông Duy vẫn luôn phủ nhận không phải là người của Việt Tân. Nhưng ai cũng biết, nếu không phải là đảng viên tin cậy, thì ông Duy không thể cầm đầu một tổ chức 8406 tại tiểu bang có dân số người Việt đông hạng nhì tại Úc Châu.

       Cũng như tại tiểu bang Tây Úc, khi đảng Việt Tân chiếm cứ cộng đồng, ông Phạm Phước Hải, là hiệu trưởng trường Việt Ngữ Hùng Vương, không phải là Việt Tân, dù ông Hải là người thành lập trường, đóng góp công sức hơn 27 năm qua, ông Hải bị tống ra khỏi trường bằng thủ đoạn và thay thế vị trí hiệu trưởng là một người của Việt Tân. Sự kiện ở Tây Úc rất sôi động vào giữa năm 2010, báo chí Úc Châu tường trình rất rõ từ hai phía.

       Từ đó, chắc chắn ông Nguyễn Quang Duy phải là thành viên cao cấp của đảng Việt Tân, nhưng bề ngoài vẫn chối là không phải, vì đảng Việt Tân bị mang quá nhiều tai tiếng lừa bịp suốt từ 1980 đến ngày nay, dân chúng quá chán ngán khi nghe tên Việt Tân. Dù giấu kín nhưng vụ kiện của ông Võ Long Ẩn với chủ tịch cộng đồng liên bang Úc Châu là ông Nguyễn Thế Phong đã lộ ra vai trò của Nguyễn Quang Duy trong vụ nầy, bị tòa đuổi ra ngoài vì làm ồn ào, ủng hộ ông Phong.

Trần Trung Thành
17.01.2011
(cư dân Việt ở Úc Châu).
Đảng Việt Tân tung tin giả về biểu tình tại Việt Nam:

Quí bạn đọc blog có thể tham khảo thêm các tài liệu dưới đây để tự mình rút ra được nhận xét độc lập với chủ đề nêu trên:


Nhà Văn Trần Khải Thanh Thủy Ra Khỏi Đảng Việt Tân ngày 8/1/2014.
Sự kiện này xảy ra sau khi Phạm Hoàng Tùng đăng tài liệu trên mạng Facebook ngày 1/1/2014 về vụ án Đảng Việt Tân hành hình Bác Sĩ Nguyễn Hữu Nhiều:
Lý Thái Hùng Tổng Bí Thư Việt Tân kiêm tình báo Cộng Sản.
Đảng Việt Tân và Lý lịch Lý Thái Hùng:
http://chinhnghiaquocgia.blogspot.com/2012/06/noi-tinh-bi-mat-ang-viet-tan-ra-sao-ly.html


Cán bộ Việt Tân nhận lương hơn 100 ngàn Mỹ Kim một năm!!!
Sàigòn Times Úc Châu|Thắc mắc của báo SGT gửi TBT đảng VT Lý Thái Hùng:

LƯỚI TRỜI LỒNG LỘNG
Lưới người, kẻ gian tà có thể thoát,
Nhưng lưới Trời, không thể nào thoát nổi:

Đã đến lúc cần truy tố Mặt Trận Hoàng Cơ Minh cùng băng đảng Việt Tân:

Vạch mặt tên sâu dân mọt nước
(Chân tướng Hoàng Cơ!):

Hoàng Cơ Định Việt Tân gia nô…:





------&------


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét